Tài chính quốc tế

Nikkei: 'Samsung hắt xì, kinh tế Việt Nam cảm cúm'

(VNF) - Thiệt hại lớn từ vụ thu hồi điện thoại Galaxy Note 7 đã khiến xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 3 bị sụt giảm và tăng trưởng kinh tế chậm lại trong quý I/2017. Cho đến tháng 4/2017, hoạt động của Samsung phục hồi nhờ đó kinh tế Việt Nam cũng được hưởng tác động tích cực.

Nikkei: 'Samsung hắt xì, kinh tế Việt Nam cảm cúm'

Một nhà máy Samsung Việt Nam. Ảnh: Nikkei

Nikkei vừa có bài đánh giá về tăng trưởng GDP Việt Nam trong những tháng gần đây. Theo đó, Nikkei nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi trong quý II chỉ nhờ hoạt động kinh doanh của một công ty duy nhất là Samsung, hãng chuyên sản xuất điện thoại di động với nhiều nhà máy tại các khu vực khác nhau ở Việt Nam.

Theo số liệu được công bố hôm 29/6, GDP của Việt Nam đã tăng 6,2% trong quý II/2017, sau khi giảm đến 5,1% trong quý I. Số liệu này đã đưa tăng trưởng năm 2017 trở lại trên 6% khi tính chung hai quý.

"Phần lớn sự phục hồi này là nhờ một công ty duy nhất: Samsung - hãng sản xuất điện thoại Hàn Quốc đặt các nhà máy quy mô lớn tại nhiều địa điểm khác nhau ở Việt Nam", Nikkei nhận định.

Vì thế, thiệt hại lớn từ vụ thu hồi điện thoại Galaxy Note 7 đã khiến xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 3 bị sụt giảm và khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong quý I/2017 khi Samsung chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu quốc gia.

Cho đến tháng 4/2017, hoạt động của Samsung phục hồi nhờ mẫu điện thoại mới được đưa ra thị trường, do vậy nền kinh tế Việt Nam cũng được hưởng tác động tích cực.

Dù vậy, Nikkei cũng cho rằng, Samsung không phải là doanh nghiệp duy nhất của Hàn Quốc thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Công ty LG Electronics, Tập đoàn Lotte và những doanh nghiệp khác đang gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam và thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Kể từ năm 2014, Hàn Quốc đã dần trở thành nguồn vốn trực tiếp nước ngoài hàng đầu của Việt Nam. Dù dòng vốn đáng tin cậy là cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế, nhiều chuyên gia phân tích lo ngại Việt Nam đang quá phụ thuộc vào Hàn Quốc để duy trì sự thành công.

Trong khi các công ty Hàn Quốc thực hiện việc tăng tốc cho tăng trưởng GDP thì nhiều ngành sản xuất của Việt Nam lại quá yếu để có thể cạnh tranh với các nền kinh tế hàng đầu ở Đông Nam Á. Phát triển đường sắt, đường cao tốc và nhiều cơ sở hạ tầng khác không theo đúng tiến độ có thể khiến các nhà đầu tư tiềm năng rời khỏi Việt nam và tăng trưởng tiếp tục bị kìm hãm.

Các doanh nghiệp như Sumitomo và Shimizu hồi tháng 5 nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật Bản đã kiến nghị khắc phục tình hình này. Tuy nhiên, Nikkei cho rằng, nguồn tài chính yếu của Việt Nam khó có thể hỗ trợ cho việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

"Việc vay mượn nhiều năm qua dưới hình thức các khoản vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ Nhật Bản và các nước khác cho thấy tỷ lệ nợ/GDP của nước này ở mức 64,7% vào tháng 12/2016, mức nguy hiểm so với mức giới hạn của chính phủ là 65%", Nikkei nhận định.

Tin mới lên