Tài chính

Nợ của Thế Giới Di Động có đáng lo?

(VNF) – Chi gần 83 tỷ đồng trả nợ ngân hàng mỗi ngày, nợ của Thế Giới Di Động liệu có đáng lo?

Nợ của Thế Giới Di Động có đáng lo?

Thông tin từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) cho thấy, tiền chi trả nợ vay của doanh nghiệp này trong nửa đầu năm 2017 là 15.015 tỷ đồng. Tính ra, mỗi ngày Thế Giới Di Động chi gần 83 tỷ đồng trả nợ ngân hàng.

Liệu điều này có đáng lo?

Thực tế, việc chi trả nợ vay trên chỉ phản ánh quy mô dòng tiền chi trả nợ của Thế Giới Di Động. Nếu chỉ đứng một mình mà không xét đến các yếu tố quan trọng hơn thì chỉ tiêu này không có nhiều ý nghĩa trong việc xác định gánh nặng nợ của doanh nghiệp.

Nguyên nhân là bởi song song với việc chi trả nợ vay, Thế Giới Di Động cũng "đồng thời" thu được tiền từ hoạt động đi vay. Nửa đầu năm 2017, doanh nghiệp này nhận tổng cộng 14.204 tỷ đồng tiền vay, thấp hơn khoảng 800 tỷ đồng so với lượng tiền chi trả nợ vay, thậm chí còn mang ý nghĩa tích cực bởi nợ vay cuối kỳ theo đó sẽ giảm xuống, gánh nặng nợ theo đó còn có phần bớt đi.

Vậy lượng tiền chi trả nợ vay tăng vọt 72% (từ 8.712 tỷ đồng lên 15.015 tỷ đồng) phản ánh điều gì?

Thực tế, việc quy mô tiền chi trả nợ vay tăng vọt trong trường hợp của Thế Giới Di Động cũng không có nhiều ý nghĩa trong việc xác định gánh nặng nợ doanh nghiệp. Bởi nguyên nhân khiến quy mô tiền chi trả nợ vay, hay nói đúng hơn là quy mô cả tiền chi trả nợ vay và tiền thu từ đi vay tăng mạnh, là do doanh thu của Thế Giới Di Động tăng mạnh, do đó cần lượng vốn lưu động lớn hơn để xoay vòng.

Nửa đầu năm 2017, doanh thu của Thế Giới Di Động lên đến 31.240 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2016.

Nếu xét thêm các yếu tố quan trọng khác, liệu nợ của Thế Giới Di Động có đáng lo?

Tính đến hết ngày 30/6/2017, tổng nợ phải trả của Thế Giới Di Động ở mức 9.971 tỷ đồng, giảm 9,5% so với con số 11.012 tỷ đồng hồi đầu năm. Tổng nợ vay ở mức 3.978 tỷ đồng, giảm 16,9% so với mức 4.788 tỷ đồng đầu năm. Toàn bộ nợ vay của Thế Giới Di Động đều là nợ ngắn hạn.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu đến hết ngày 30/6/2017 của Thế Giới Di Động tăng tới 21,8%, từ 3.841 tỷ đồng lên 4.679 tỷ đồng.

Nợ giảm, vốn chủ sở hữu tăng khiến hệ số nợ vay của "gã khổng lồ công nghệ Việt" giảm mạnh. Cụ thể, nếu như hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu thời điểm 1/1/2017 của Thế Giới Di Động là 2,87 lần thì nay đã giảm xuống còn 2,13 lần. Hệ số nợ vay cũng giảm từ múc khá cao 1,25 lần hồi đầu năm xuống chỉ còn 0,85 lần – nằm sâu trong ngưỡng an toàn.

Có thể thấy khá rõ, nợ hiện không phải là vấn đề đáng lo đối với Thế Giới Di Động, kể cả khi tính đến việc doanh nghiêp này tăng nợ vay để phục vụ cho hoạt động M&A sắp tới. Bởi ngân sách M&A chỉ khoảng 2.500 tỷ, trong đó ít nhất khoảng 670 tỷ đồng là đến từ huy động vốn từ phát hành riêng lẻ, đủ giúp Thế Giới Di Động tạo cân đối tài chính với khoản vay thêm (phục vụ cho M&A).

Tuy nhiên, ở Thế Giới Di Động vẫn còn vấn đề có thể khiến doanh nghiệp này có thể rơi vào thế bị động khi đi vay, đó là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư. Liên tiếp 2 năm gần đây, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Thế Giới Di Động đều âm, lần lượt (-) 641 tỷ đồng và (-) 585 tỷ đồng.

Trong khi đó, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư vẫn âm và ngày càng âm nặng do nhu cầu đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh của Thế Giới Di Động ngày càng lớn. 4 năm gần đây, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Thế Giới Di Động lần lượt ở mức (-) 114 tỷ đồng, (-) 308 tỷ đồng, (-) 657 tỷ đồng và (-) 1.276 tỷ đồng.

Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư đối với bất cứ doanh nghiệp nào cũng thường là số âm, do chủ yếu là chi tiền ra chứ ít khi thu tiền về. Tuy nhiên, nếu dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm nặng, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng âm nặng sẽ khiến doanh nghiệp buộc phải bù đắp dòng tiền bằng cách tăng vốn hay phổ biến hơn là tăng cường đi vay.

Tin mới lên