Thị trường

Nở rộ loại hình xe Limousin: Nên 'quản' hay 'cấm'?

(VNF) - Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Hà Nội đang nở rộ loại hình xe Limousin 16 chỗ được hoán cải thành 9 chỗ, “núp bóng” xe hợp đồng đón khách. Dù các lực lượng chức năng đều biết nhưng việc “quản” loại hình này không dễ.

Nở rộ loại hình xe Limousin: Nên 'quản' hay 'cấm'?

Những chiếc xe Limousin 16 chỗ được hoán cải thành 9 chỗ vô tư đón khách trên nhiều tuyến phố nội đô Hà Nội

Việc Sở Giao thông vận tải Hà Nội điều chuyển các lốt xe khách về đúng các tuyến cố định theo hướng Đông, Tây, Nam, Bắc đã cho thấy những hiệu quả tích cực trong việc giảm xe khách chạy xuyên tâm nội đô.

Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại xung quanh bến Mỹ Đình khá cao, nên có một số nhà xe cố tình mở “văn phòng đại diện” để tụ tập đón khách. Gần đây, thanh tra giao thông đã tích cực xử lý các “văn phòng” trên.

Để lách việc xử lý này, mà vẫn “vô tư” đón khách tại Mỹ Đình và nhiều điểm trong thành phố, nhiều nhà xe đã sử dụng xe Limousin hoán cải để đón khách khiến cơ quan chức năng lúng túng.

“Kẻ khóc, người cười”

Lướt qua các trang mạng, rất dễ dàng đặt xe Limousin đón khách tại nhà theo các cung giờ khác nhau. Dù giá vé có cao hơn đôi chút, khách hàng vẫn khá ưa chuộng xe Limousin vì sự tiện lợi. Chính điều này đã kích thích các nhà xe tăng cường việc đầu tư loại hình Limousin.

Chẳng hạn như trên tuyến Mỹ Đình – Quảng Ninh (giá vé khoảng 200 nghìn/người), mới đây doanh nghiệp vận tải Phúc Xuyên đã đầu tư hàng loạt xe Limousin, hoặc như tuyến Mỹ Đình - Nam Định - Thái Bình (giá vé 120 nghìn/người) nhà xe Phúc Lộc Thọ đã sắm thêm một dàn xe Limousin mới. Không chỉ nhận chở người, các xe này còn nhận cả ký gửi hàng hoá.

Ông Trần Văn Quảng, đại diện doanh nghiệp vận tải Hà Sơn Hải (Thanh Hóa) cho biết các xe Limousin -  hay còn gọi là các xe hợp đồng trá hình tuyến Hà Nội – Thanh Hoá, ban đầu chỉ có 50 -70 xe nhưng đến nay số lượng đã tăng gấp 5 lần.

"Rõ ràng, việc điều chuyển là cơ hội cho 'xe dù bến cóc' hoạt động, đặc biệt là đón trả khách tại nhà, không có bến cố định. Trong khi doanh nghiệp vận tải cố định phải chịu các chi phí bến bãi thì 'xe dù' không mất một đồng nào. Nếu loại hình dịch vụ này liên tục phát triển nhanh chóng thì ai còn đi xe khách. Đây là câu chuyện 'kẻ khóc, người cười'", ông Quảng bức xúc.

Trao đổi với VietnamFinance, một doanh nghiệp vận tải (xin giấu tên) cho biết đối với các xe Limousin chạy tuyến ngắn từ Hà Nội đi các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Phú Thọ, Thái Nguyên…  chỉ cần 4 khách là đã hoàn vốn (xăng dầu, cầu đường, bảo dưỡng xe), trong khi các xe này chở được 9 người, ưu thế lại quay vòng nhanh, chạy trong bất kỳ cung giờ nào, miễn là có khách nên hiệu quả kinh tế khá cao. Vì thế, việc gia tăng mạnh các xe Limousin trong thời gian qua cũng là dễ hiểu.

Tăng hình thức xử phạt

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định trước nguy cơ bị xe dù giành hết khách, nhiều câu hỏi đặt ra là nên “quản” hay “cấm” loại hình xe Limousin?

Trao đổi với VietnamFinace, ông Trần Nhật Quang, Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết khi đăng kiểm, các xe Limousin thuộc nhóm xe 9 chỗ, đây được coi là xe hợp đồng, vì thế không thể “cấm”.

Mặt khác, Nghị định 86 và Thông tư 63 mới cho phép các xe hợp đồng dưới 10 chỗ không phải đăng ký danh sách hành khách, điểm đón, trả khách với Sở Giao thông vận tải địa phương. Lợi dụng kẽ hở này, hàng loạt xe 16 chỗ hoán cải, làm hợp đồng khống để vận chuyển khách liên tỉnh...

“Tới đây, Hà Nội sẽ tăng cường quản lý với các xe 'hợp đồng trá hình' này bằng cách phạt với lỗi dừng, đỗ đón trả khách không đúng quy định”, ông Quang nói.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng cho biết dù các lực lượng chức năng ra quân mạnh mẽ để kiểm tra, kiểm soát nhưng do chế tài còn nhẹ nên các xe Limousin thường “nhờn luật”.

Ông Cường ví dụ hiện tại, với lỗi dừng đỗ đón trả khách sai quy định, nhà xe chịu mức phạt 1,5 triệu đồng và không bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Trong khi đó, cùng lỗi trên với các xe tuyến cố định sẽ phạt 1,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng lấy giấy phép lái xe 2 tháng, hoặc thu hồi, tạm giữ phù hiệu. Chính việc xử phạt nhẹ nên các xe Limousin cố tình đón trả khách tại nhiều tuyến phố trong nội đô.

“Chúng tôi kiến nghị với Sở Giao thông vận tải Hà Nội tăng mức phạt xe Limousin tương đương với xe khách cố định để tạo sự công bằng. Đồng thời, đề xuất mở rộng các tuyến phố cấm xe hợp đồng đón trả khách ra, vào hoạt động”, ông Cường nói.

Theo số liệu từ Phòng vận tải của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong 9 tháng gần đây, số lượng xe hợp đồng dưới 10 chỗ vẫn tiếp gia tăng. Việc đăng ký khi doanh nghiệp đầy đủ giấy phép và điều kiện kinh doanh nên Sở không thể cấm, dù biết phần nhiều trong số này sẽ chạy hợp đồng “dù”.

Tuy nhiên, nếu không tăng chế tài xử phạt và thêm nhiều hình thức “quản” khác thì xe Limousin sẽ là “đặc sản” khó xử lý của Hà Nội trong thời gian tới.

Ví thử, hàng loạt nhà xe tuyến cố định đều bán xe, chuyển sang đầu tư xe Limousin thì Hà Nội tính thế nào? Các bến xe dùng sẽ rơi vào tình cảnh như thế nào? Các tuyến đường nội đô có chịu nổi không nếu phải gánh thêm một lượng xe mới, được chạy xuyên tâm?...

Tin mới lên