Tài chính quốc tế

Nước Mỹ nếu không có nhập cư: Không iPhone, không Google, không Boeing!

(VNF) - Nếu nước Mỹ không có người nhập cư, thì những công ty như Apple, Google hay Boeing đã không xuất hiện và tồn tại.

Nước Mỹ nếu không có nhập cư: Không iPhone, không Google, không Boeing!

Steve Jobs là con là con một người nhập cư gốc Syria.

Lệnh cấm nhập cư gây hỗn loạn

Ngày 27/1 vừa qua, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh tạm dừng toàn bộ chương trình tiếp nhận người tị nạn trong vòng 4 tháng, đồng thời cấm công dân của 7 nước - gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen - nhập cảnh Mỹ trong 90 ngày. Ông cho hay động thái mới này sẽ bảo vệ người Mỹ khỏi chủ nghĩa khủng bố.

\

Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm trên tay sắc lệnh ông đã ký tại Bộ Quốc phòng ở Virginia, ngày 27/1 2017.

Sắc lệnh này đã vấp phải làn sóng phản đối gay gắt, kéo theo các cuộc biểu tình, kiện cáo và sự hỗn loạn ở khắp nơi. Hàng loạt người mắc kẹt tại các sân bay khắp thế giới, nước mắt và sự hoảng sợ trong nhiều gia đình, biểu tình, kiện tụng… và chính những người thực thi pháp luật ở sân bay cũng "toát mồ hôi".

Nhiều người Hồi giáo lo sợ tại sân bay quốc tế John F. Kennedy, New York trước lệnh cấm nhập cư vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Các cuộc biểu tình nổ ra vào cuối tuần qua tại các sân bay trên khắp đất nước, trong đó có New York, San Francisco, Chicago, Washington. DC, và Boston. Ngay cả nhà đồng sáng lập của Google Sergey Brin, bản thân là dân di cư từ Nga, đã tham gia một cuộc biểu tình ở sân bay quốc tế San Francisco.

Người biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump tại Sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York. 

Không có nhập cư, Apple, Google hay Boeing đã không xuất hiện

Cha của huyền thoại công nghệ sáng lập Apple Steve Jobs - ông Abdulfattah Jandali, một người nhập cư gốc Syria, lẽ ra cũng không được phép vào Mỹ nếu lệnh cấm mà ông Trump vừa ký được ban hành từ giữa thế kỷ trước. Tại Mỹ, ông Abdulfattah Jandali đã gặp bà Joanne Schieble và kết quả là sinh ra Steve Jobs.

Huyền thoại công nghệ sáng lập Apple - Steve Jobs.

Steve Wozniak, đồng sáng lập Apple cũng là con một người di cư Ukraine. Nếu không có nhập cư, sẽ chẳng có Apple như ngày hôm nay.

Thiên tài công nghệ Elon Musk, người sáng lập sáng lập công ty sản xuất xe điện Tesla và công ty vũ trụ tư nhân SpaceX, sinh ra tại Nam Phi và nhập cư vào Mỹ từ Canada 

Tỷ phú Larry Ellison, người đồng sáng lập và là CEO tập đoàn phần mềm Oracle là con một người di cư từ Italia.

Đồng sáng lập Google - Sergey Brin không phải người Mỹ chính gốc, mà là người gốc Nga. Sergey được sinh ra tại Moskva, Nga trong một gia đình người Do Thái. Năm 1979, khi Sergey lên 6, gia đình anh di cư sang Mỹ. 

Sergey Brin là người Do Thái gốc Nga.

Và còn nhiều ví dụ khác nữa, chẳng hạn Pierre Omidyar, người sáng lập eBay là người gốc Iran, quốc gia bị cấm nhập cư theo sắc lệnh mới của Trump. Pierre di cư từ Pháp vào Mỹ, trong khi William Edward Boeing - người sáng lập ra hãng máy bay Boeing, là người nhập cư vào Mỹ từ Đức.

William Edward Boeing nhập cư vào Mỹ từ Đức.

Eduardo Saverin - người cùng với Mark Zuckerberg sáng lập ra mạng xã hội Facebook đã nhập cư vào Mỹ từ Brazil, trong khi Steven Chen, đồng sáng lập Youtube là một người di cư từ Đài Loan; còn Andrrew Grove - huyền thoại của Intel cũng là người sinh ra tại Hungary trước khi nhập cư vào Mỹ.

Giới công nghệ phản đối lệnh cấm nhập cư của ông Trump

Đối với các ông lớn công nghệ vốn là những công ty toàn cầu với rất nhiều nhân viên từ khắp nơi trên thế giới, sắc lệnh cấm nhập cư này ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và làm việc của họ. Ngay sau khi sắc lệnh được ký, các nhân viên của Facebook, Google từ khắp nơi trên thế giới phải tức tốc quay trở lại Mỹ để tránh bị "mắc kẹt" vì lệnh cấm nhập cư.

Apple, Facebook, Google và nhiều công ty khác đang cùng soạn thảo một lá thư để lên tiếng lo ngại về sắc lệnh của tân Tổng thống Mỹ. Các công ty tham gia soạn thư phản đối sắc lệnh của ông Trump cho biết sẽ sẵn sàng tài trợ để giúp giải quyết tình trạng 750.000 người nhập cư không hợp pháp đến Mỹ khi còn là trẻ em.

"Chúng tôi chia sẻ mục tiêu của Tổng thống để hệ thống nhập cư đảm bảo an ninh quốc gia, giữ cho đất nước được an toàn", lá thư viết. "Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại sắc lệnh của Tổng thống sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người công dân có visa đang làm việc rất chăm chỉ tại Mỹ và đang đóng góp cho sự thành công của đất nước".

"Thật đau lòng khi nhìn thấy các đồng nghiệp của chúng ta phải gánh chịu tổn thương và chi phí do sắc lệnh này", CEO Google, Sundar Pichai đã viết trên trang nội bộ, theo Bloomberg.

Một số nhân viên của Google đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối bên ngoài các văn phòng trên toàn thế giới, đăng lên các mạng xã hội với khẩu hiệu #GooglersUnite (tạm dịch: #người Google là một)

CEO Tim Cook của Apple đã gửi một lá thư đến các nhân viên, nói rằng công ty của ông "sẽ không thể tồn tại nếu không có người nhập cư", nhắc đến nguồn gốc Syria của người đồng sáng lập Steve Jobs.

CEO Tim Cook của Apple nói rằng công ty của ông "sẽ không thể tồn tại nếu không có người nhập cư".

"Tôi đã nghe thấy rằng nhiều người trong số các bạn lo ngại sâu sắc về sắc lệnh vừa được ban hành ngăn cấm người nhập cư từ 7 quốc gia đạo Hồi. Tôi chia sẻ sự lo lắng của các bạn. Đó là một chính sách chúng ta không hề ủng hộ".

Trong lá thư, ông cũng trích dẫn câu nói nổi tiếng của nhà nhân quyền Martin Luther King: "Chúng ta có thể đến từ những con tàu khác nhau, nhưng chúng ta trên cùng một con thuyền vào lúc này".

CEO Facebook Mark Zuckerberg đã từng chỉ trích quan điểm của Trump trong cuộc vận động tranh cử về việc xây dựng một bức tường biên giới với Mexico trong một bài phát biểu ở sự kiện quan trọng của công ty.

CEO Facebook Mark Zuckerbe nói: "Mỹ là quốc gia của dân nhập cư và chúng ta nên tự hào vì điều đó".

Ngay sau khi sắc lệnh được ký, anh đã đăng lên trang cá nhân của mình: "Ông bà cố của tôi đến từ Đức, Áo và Ba Lan. Bố mẹ của Priscillia (vợ của Mark) là dân di cư từ Trung Quốc và Việt Nam. Mỹ là quốc gia của dân nhập cư và chúng ta nên tự hào vì điều đó. Như nhiều người trong các bạn, tôi lo ngại về ảnh hưởng của sắc lệnh gần đây được ký bởi Tổng thống Trump. Chúng ta cần giữ cho quốc gia này an toàn, nhưng chúng ta cần làm điều đó bằng cách tập trung vào những người thực sự là mối đe dọa".

Trong khi đó, trên trang Bloomberg cũng đưa tin Microsoft và Amazon tham gia vào việc soạn thảo lá thư trên để kêu gọi chữ ký của các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác, như tài chính, sản xuất, năng lượng và tiêu dùng.

"Là một người nhập cư và là CEO, tôi đã trải qua và chứng kiến tác động tích cực mà nhập cư mang lại cho công ty chúng ta, cho đất nước và cho thế giới", CEO của Microsoft Satya Nadella viết.

"Chúng ta là một quốc gia của những người di cư có nguồn gốc và quan điểm khác biệt đã giúp chúng ta xây dựng và sáng tạo ra một quốc gia trong hơn 240 năm. Đó là một lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho đất nước của chúng ta – điều mà chúng ta không nên làm suy yếu", CEO và là người sáng lập của Amazon nói.

Trước đó, ông Trump từng khẳng định rằng: "Tôi không chống lại nhập cư. Mẹ tôi di cư đến đất nước này từ Scotland vào năm 1918 và lấy bố tôi, mà ông bà nội tôi đến đây từ Đức vào năm 1885. Cha mẹ tôi là hai trong số những người tốt lành nhất từng sống, chính nhờ hàng triệu người như họ đã khiến đất nước này tuyệt vời và thành công đến vậy. Tôi yêu nhập cư. Người nhập cư đến đất nước này, họ muốn lao động chăm chỉ, muốn được thành công, nuôi dạy con cái và cùng chia sẻ giấc mơ Mỹ. Đó là một câu chuyện đẹp".

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng: "Thứ tôi không ưng là khái niệm về nhập cư phi pháp. Nhập cư phi pháp không công bằng cho những người khác, bao gồm những người đang phải xếp hàng nhiều năm trời để được bước vào đất nước chúng ta hợp pháp. Và dòng người nhập cư phi pháp đang vượt qua biên giới đã trở thành một vấn đề nguy hiểm. Chúng ta không bảo vệ biên giới của mình. Chúng ta là quốc gia duy nhất trên thế giới có hệ thống nhập cư đặt nhu cầu của những nước khác lên trên nhu cầu của chính mình. Cái giá chúng ta đang phải trả cho nhập cư phi pháp là khổng lồ".

Tin mới lên