Nhân vật

Ông chủ Uniqlo tiết lộ ‘5 bí kíp vàng’ cho các nhà quản lý

(VNF) - Không chỉ thành công với các sản phẩm đậm chất Nhật Bản, Uniqlo còn nổi tiếng vì phong cách điều hành và chiến lược kinh doanh của ông chủ người Nhật Tadashi Yanai. Trong bài phỏng vấn với tờ Nikkei mới đây, tỷ phú Tadashi Yanai đã chia sẻ một vài bí quyết để trở thành một nhà quản lý thành công.

Ông chủ Uniqlo tiết lộ ‘5 bí kíp vàng’ cho các nhà quản lý

Với tài sản 23 tỷ USD, Tadashi Yanai hiện là người giàu thứ hai Nhật Bản.

Tạo dựng sự nghiệp từ một hiệu quần áo nhỏ, đến nay, đại gia bán lẻ của Nhật Bản, Tadashi Yanai, có trong tay 23 tỷ USD, giàu thứ hai Nhật Bản. "Đế chế" Uniqlo hiện nay có 836 cửa hàng tại Nhật, 416 cửa hàng tại Trung Quốc, 39 cửa hàng tại Mỹ và 27 cửa hàng tại châu Âu.

Tập đoàn Uniqlo của ông không chỉ thành công với sản phẩm quần áo sáng tạo công nghệ Nhật mà họ còn rất nổi tiếng về cách điều hành. Quản lý cửa hàng của Uniqlo tốt đến nỗi hàng tháng công ty phải tổ chức các khóa học quản lý cửa hàng cho các quản lý ngành bán lẻ khắp nơi trên thế giới.

1. Dám suy nghĩ lớn

Khẩu hiệu mà Yanai đặt ra cho Uniqlo chính là: "Thay quần áo, thay đổi trí tuệ thông thường và thay đổi thế giới." Theo ông, là một doanh nhân thực sự có nghĩa là người đó phải dám suy nghĩ lớn và khai thác hết tiềm năng bên trong của mình.

2. Dậy sớm

Yanai thường dậy rất sớm, từ 5 giờ đến 5:30 phút sáng và có mặt ở văn phòng làm việc từ 6:45 hàng ngày. Ông cũng có thói quen rời văn phòng sớm, khoảng từ 3 đến 4 giờ chiều. Theo ông, điều đó sẽ giúp một giám đốc điều hành có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ.

Tại Nhật, tài sản của Tadashi Yanai chỉ đứng sau tỷ phú Masayoshi Son, CEO của SoftBank.

3. Làm việc chăm chỉ là chưa đủ

Yanai quan điểm chỉ cần làm việc cật lực là chưa đủ, nếu không vạch ra được đích đến cho mình, người ta sẽ chìm vào trong một mớ bòng bong và dậm chân tại chỗ. Theo người đàn ông 68 tuổi này, việc quản lý nên giống như đọc một quyển sách từ trang cuối, khi đã xác định được mục tiêu, việc chinh phục nó sẽ dễ dàng hơn.

4. Học hỏi từ tiền bối

Vị đại gia bán lẻ của Nhật Bản này có hứng thú đặc biệt với những quyển sách của các doanh nhân thành đạt đi trước. Cuốn sách gối đầu giường của ông là về tiểu sử của Konosuke Matsushita, người sáng lập hãng Panasonic và Soichiro Honda. Ông cũng khuyên các doanh nhân nên đọc quyển "Managing", một quyển sách được viết bởi huyền thoại Harold Geneen, cựu lãnh đạo của ITT, từng là một hãng công nghệ danh tiếng của Mỹ.

5. Không bận tâm việc có trở thành tỷ phú hay không

Yanai tin rằng tiền là một lý do "tuyệt vọng" khi muốn đạt được đỉnh cao trong kinh doanh. Ông chia sẻ có nhiều người bạn của ông cũng là chủ doanh nghiệp đã bị phân tâm quá nhiều bởi yếu tố tiền bạc, điều đó phần nào kìm hãm việc phát triển của công ty.

Xây dựng đế chế Uniqlo hùng mạnh

Tadashi Yanai sinh ngày 7/2//1949. Ông là người sáng lập và Chủ tịch của Tập đoàn bán lẻ Fast Retailing. Công ty này sở hữu nhãn hiệu quần áo Uniqlo, nổi tiếng ở nhiều quốc gia trên thế giới vì mức giá hợp túi tiền.

Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1971 với tấm bằng cử nhân kinh tế và chính trị, ông thử sức trong lĩnh vực kinh doanh.

Trung bình mỗi tuần có một cửa hàng của Uniqlo được mở trên thế giới.

Máu kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực quần áo đã ngấm vào ông từ lâu, do bố mẹ ông mở một cửa hàng quần áo nhỏ. Đến năm 1984, ông mở cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Hiroshima. Cái tên Uniqlo mang ý nghĩa "unique clothing", ngụ ý cửa hàng bán những sản phẩm quần áo độc nhất. 10 năm sau, tính đến tháng 4/1994, có khoảng 100 cửa hàng Uniqlo trên khắp Nhật Bản.

Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp, ông đã đặt ra mục tiêu biến chuỗi cửa hàng này thành nhà bán lẻ hàng đầu thế giới. Đến tháng 12/2008, Yanai đã có gần 840 cửa hàng Uniqlo trên toàn thế giới. Trong đó, số lượng cửa hàng ở nước ngoài là khoảng 70, trải dài từ New York đến Paris, Hong Kong, Singapore, Thượng Hải. Trong năm 2009, ông mở được thêm khoảng 30 cửa hàng bên ngoài biên giới Nhật Bản.

Trong suy thoái, chuỗi cửa hàng Fast Retailing vẫn làm ăn phát đạt nhờ phương châm giá rẻ với giá cổ phiếu tăng 43% giá trị trong năm vừa rồi. Để cắt giảm chi phí, ông đi thuê các nhà sản xuất bên ngoài từ Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia và Bangladesh.

Với mục tiêu doanh thu 50 tỷ USD vào năm 2020, Uniqlo sẽ vượt xa tất cả các đối thủ khác như H&M, Gap hay Inditex (công ty sở hữu thương hiệu Zara). Uniqlo đang xâm chiếm thị trường Mỹ với tốc độ khủng khiếp. Hiện nay, trung bình mỗi tuần có 1 cửa hàng của Uniqlo được mở tại một địa điểm nào đó trên thế giới.

> 'Ngựa non' Ma Huateng giàu nhất châu Á là đại biểu Quốc hội Trung Quốc

Tin mới lên