Tiêu điểm

Ông Đinh La Thăng xin Hội đồng xét xử xem xét được tại ngoại

(VNF) – Tại phiên tranh luận chiều nay (16/1), bị cáo Đinh La Thăng đã đề nghị Hội đồng xét xử thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng việc cho tại ngoại. "Một số bị cáo đã tại ngoại rồi, những người như bị cáo không gây nguy hiểm cho xã hội", ông Thăng trình bày.

Ông Đinh La Thăng xin Hội đồng xét xử xem xét được tại ngoại

Ông Đinh La Thăng xin được tại ngoại.

Như VietnamFinance đã đề cập, hôm nay (16/1) phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN), Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC) và 20 đồng phạm trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản" xảy ra tại PVN, PVC tiếp tục ngày làm việc thứ 9.

Đầu phiên làm việc buổi chiều 16/1, bị cáo Đinh La Thăng đề nghị Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát xem xét phát biểu xác nhận của giám định viên Bộ Tài chính về việc nếu không có việc sử dụng tiền sai mục đích thì không có thiệt hại cho PVN, trong luận tội của Viện kiểm sát không nói tới điều này.

Đồng thời, ông Thăng đề nghị Hội đồng xét xử, các cơ quan tố tụng xem xét cho các bị cáo bị khởi tố về tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án này được thay đổi biện pháp ngăn chặn.

"Một số bị cáo bị truy tố về tội danh này đã được tại ngoại. Các bị cáo còn lại, trong đó có bản thân bị cáo không còn gây nguy hiểm cho xã hội nữa nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho được tại ngoại", ông Thăng trình bày.

Trước đó, trong phần tranh luận sáng nay, ông Đinh La Thăng khẳng định bản thân không hưởng lợi gì từ việc chỉ định thầu đối với PVC.

Do đó, theo ông Thăng, luận điểm của Viện kiểm sát cho rằng việc ông bổ nhiệm các bị cáo Vũ Đức Thuận và Trịnh Xuân Thanh làm tổng giám đốc PVC vì lợi ích nhóm là không thỏa đáng.

"Xin xem lại vì một doanh nghiệp có người đi, người đến, thủ trưởng bổ nhiệm cán bộ là theo quy định. Không thể bảo ký bổ nhiệm là lợi ích nhóm. Tất cả các anh ở đây từ anh Thực (Phùng Đình Thực, cựu Tổng giám đốc PVN) trở xuống đều được bị cáo bổ nhiệm, bản thân bị cáo cũng được cấp trên bổ nhiệm…

"Kiểm sát viên nói thế rộng lắm, cứ được bổ nhiệm là lợi ích nhóm, việc này không chỉ là tội phạm, còn là lương tâm, trách nhiệm, danh dự của bị cáo và cả tập thể, cả thương hiệu lớn là PVN", ông Thăng nói.

Ông Thăng cũng cho rằng: "Về vấn đề anh Cường (ông Đào Thịnh Cường - Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) có nêu, bị cáo đồng tình với cách xử lý với PV Power và Ban quản lý dự án vì đây là đơn vị cuối cùng thực hiện mà không bị xử lý thì đề nghị đại diện Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng xét xử xem xét cho các bị cáo khác…"

"Vụ án giết người, kẻ giết người không bị xử lý, kẻ mua dao, đưa dao bị xử lý thì có công bằng không" , ông Thăng ví dụ khi nói về việc PVPower trực tiếp ký hợp đồng EPC số 33 không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tin mới lên