Tài chính quốc tế

Ông Putin dập tắt ý tưởng sẽ sửa đổi hiến pháp để tại vị thêm 1 nhiệm kỳ nữa

(VNF) - "Tôi luôn tuân thủ chặt chẽ hiến pháp Nga. Trong hiến pháp ghi rõ rằng không ai được tại vị quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Tôi sẽ tuân thủ điều khoản này", Tổng thống Nga Vladimir Putin chia sẻ với báo giới tại một diễn đàn kinh tế ở St. Peterburg ngày 25/5.

Ông Putin dập tắt ý tưởng sẽ sửa đổi hiến pháp để tại vị thêm 1 nhiệm kỳ nữa

Ông Putin phát biểu tại diễn đàn kinh tế ở St. Peterburg ngày 25/5.

Tại diễn đàn, phóng viên đã đặt ra câu hỏi liệu ông có rời khỏi vị trí Tổng thống hay không và vào bao giờ. Ông Putin lại một lần nữa khẳng định rằng ông không muốn và cũng không có ý định sửa đổi hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo:

“Bây giờ đang là nhiệm kỳ thứ hai của tôi. Tôi từng giữ cương vị tổng thống hai lần trước đây và sau đó đã rời nhiệm sở vì hiến pháp không cho phép tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Do vậy tôi sẽ tuân thủ quy định này trong tương lai”.

Tổng thống Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức ngày 7/5/2018.

Ông Putin đã giữ 2 nhiệm kì Tổng thống Nga từ năm 2000 đến năm 2004. Hiến pháp Nga dù không giới hạn số lần giữ chức vụ tổng thống nhưng quy định không được làm quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Sau một nhiệm kỳ làm Thủ tướng Chính phủ, ông mới tiếp tục được bầu làm Tổng thống Nga nhiệm kỳ 3 (2012-2018). Ngày 7/5/2018, ông Putin tuyên thệ nhiệm kỳ tổng thống thứ 4, dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 7/5/2024.

Mới đây, một nhóm các nghị sĩ khu vực từ Cộng hòa Chechnya thuộc Liên bang Nga đã gửi văn bản lên Quốc hội Nga đề nghị kéo dài giới hạn nhiệm kỳ tổng thống để đương kim Tổng thống Vladimir Putin có thể tiếp tục nắm quyền trong nhiệm kỳ tới.

Ông Putin đích thân lái xe tải khánh thành cây cầu dài nhất châu Âu nối lãnh thổ Nga với bán đảo Crimea ngày 15/5.

Trong văn bản đề nghị gửi Chủ tịch Hạ viện Nga, các nghị sĩ nêu rõ: “Trong bối cảnh môi trường chính sách đối ngoại diễn biến phức tạp, điều quan trọng là cần duy trì sự tiếp nối của chính phủ”. Đồng thời họ cho rằng việc ông Putin tiếp tục lãnh đạo sẽ không làm “suy giảm nền tảng dân chủ của chính phủ Nga”.

Trước đó hồi đầu tháng, khi các quan chức Chechnya lần đầu đề cập tới việc họ đang chuẩn bị các hoạt động để kêu gọi kéo dài giới hạn nhiệm kỳ tổng thống Nga, Điện Kremlin đã từ chối bình luận về khả năng này.

“Đây là vấn đề liên quan tới hiến pháp và không phải là vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của tổng thống. Bản thân tổng thống cũng nhiều lần bày tỏ lập trường của ông ấy liên quan tới việc điều chỉnh luật cơ bản”, người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, nói.

Nhà phân tích Fareed Zakaria của CNN gọi Putin là người đàn ông quyền lực nhất thế giới.

Hiện nay hình ảnh Tổng thống Putin đã bám chắc trong bộ máy chính quyền Nga. Một nguồn tin trong một bộ của chính phủ Nga nói: “Không hề có các cuộc thảo luận bên hành lang về việc kế vị. Như thể mọi người điều biết chắc ông Putin sẽ còn tại vị dài dài”.

Nếu ông Putin muốn thay đổi Hiến pháp để cho phép nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, ông sẽ cần sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ trong Hạ viện Nga, và 3/4 số nghị sĩ trong Thượng viện Nga, cũng như sự phê chuẩn của 2/3 cơ quan lập pháp khu vực.

Xem thêm >> Vụ máy bay MH17: Hà Lan chính thức buộc tội Nga

Tin mới lên