Tiêu điểm

Ông Trần Đình Thiên: ‘Bài học 30 năm là việc lựa chọn con đường phát triển’

Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam gửi thông điệp về lựa chọn con đường phát triển cho Việt Nam trong bối cảnh tổng kết 30 năm đổi mới và trước viễn cảnh hội nhập mới.

Ông Trần Đình Thiên: ‘Bài học 30 năm là việc lựa chọn con đường phát triển’

"Việt Nam có những nền tảng đề trở thành một quốc gia thịnh vượng. Yếu tố bảo đảm thành công cho Việt Nam, như kinh nghiệm 30 năm công cuộc đổi mới chỉ ra, phụ thuộc quyết định vào việc lựa chọn con đường phát triển".

Đây là thông điệp mà PGS.TS Trần Đình Thiên đã đưa ra trong bài viết của mình gửi tới Hội thảo tổng kết 30 năm phát triển kinh tế Việt Nam, sẽ được tổ chức vào ngày 19/11 tới tại Hà Nội.

Ba mươi năm qua, Việt Nam đã đi một hành trình cải cách và mở cửa kinh tế khá dài và đã có những kết quả đáng chú ý. Tuy nhiên, theo ông Thiên, thành tựu phát triển đã đạt được "không đảm bảo rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trong những giai đoạn tiếp theo" vì hiện đang có "một loạt các vấn đề cấu trúc đang cản trở khả năng phát triển đột phá của đất nước".

Các yếu tố được chuyên gia này thống kê là sự méo mó của thị trường gây ra bởi sự độc quyền và đặc quyền của DNNN, sự yếu kém của hệ thống tài chính và những nút thắt thể chế, kỹ năng thấp của nguồn nhân lực, chi phí vận tải đắt đỏ, tiếp cận tín dụng, năng lượng và đất đai khó khăn.

"Trong bối cảnh thế giới đang trải qua một thời kỳ hết sức phức tạp, cùng với đó là các vấn đề xã hội khác như môi trường xuống cấp, biến đổi khí hậu, dân số già hóa cần được giải quyết, thì việc Việt Nam cam kết hội nhập ở đẳng cấp cao nhất đang đặt ra những thách thức to lớn. Việc lựa chọn sai mô hình phát triển có thể đưa đất nước đi ngược lại tiến trình phát triển và sẽ tụt hậu phát triển ngày càng xa hơn", ông phân tích.

40 mươi năm sau khi thống nhất đất nước và bước vào giai đoạn xây dựng, phát triển kinh tế, sự phức tạp của kinh tế - chính trị trong khu vực và trên thế giới trong vòng vài năm trở lại đây "đang đưa Việt Nam rơi vào một hoàn cảnh mà sự tồn vong của dân tộc ở vào thế hiểm nguy hơn bao hết".

Dù có những thành tựu đáng tự hào và đáng ngưỡng mộ trong suốt 3 thập kỷ vừa qua, Việt Nam vẫn đang bị các nước phát triển hơn, đặt biệt là Trung Quốc bỏ lại phía sau và ngày cảng nới rộng khoảng cách. Việt Nam cũng đang bị bỏ lại phía sau các bảng xếp hạng toàn cầu trong phần lớn các tiêu chí phát triển.

Chính vì vậy, vẫn theo ông Thiên, vị thế của Việt Nam "chỉ có thể do chính Việt Nam tạo dựng và duy trì". "Sự phát triển của kinh tế tư nhân đặt trong nền tảng nền kinh tế với giáo dục kỹ năng chuyên sau, chất lượng thể chế, cơ sở vật chất hạ tầng vượt trội và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định nên được coi là quan điểm phát triển trong bối cảnh Việt Nam đang cam kết tham gia những cuộc chơi hội nhập đảng cấp cao. Điều không may là Việt Nam đang thiếu tất cả các yếu tố này".

Nhắc lại rằng Việt Nam đã thành công nhờ đột phá trong cải cách năm 1986, bài viết kết luận rằng hiện nay Việt Nam đang đứng trước một bối cảnh đầy thách thức nhưng cũng rất nhiều cơ hội mà thời cuộc hiện đang đặt ra, theo đó "việc lựa chọn cho mình một chiến lược phát triển đúng đắn trong điều kiện liên tục đổi mới, sáng tạo là đòi hỏi bắt buộc".

*Hội thảo tổng kết 30 năm phát triển kinh tế Việt Nam sẽ được tổ chức sáng ngày 19/11 tại Khách sạn Daewoo (Hà Nội) với sự có mặt của 300 đại biểu là các lãnh đạo, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ chương trình tổng kết 30 năm đổi mới (1986 - 2015) đã và đang được tiến hành trong thời gian qua.

Tin mới lên