Thị trường

Ông Trịnh Văn Quyết kể chuyện qua Mỹ xúc tiến đầu tư

(VNF) – Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết mới đây đã có những chia sẻ về buổi roadshow của doanh nghiệp này trên đất Mỹ.

Ông Trịnh Văn Quyết kể chuyện qua Mỹ xúc tiến đầu tư

Ông Trịnh Văn Quyết ký thỏa thuận mua máy bay của Boeing dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Buổi roadshow và hội thảo trên đất Mỹ được Tập đoàn FLC tổ chức hôm 25/6. Đây là sự kiện tiếp nối chuỗi roadshow và hội thảo của Tập đoàn FLC tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc trong năm 2017.

Tại sự kiện này, Bamboo Airways (thuộc Tập đoàn FLC) và Tập đoàn Boeing của Mỹ đã ký kết thỏa thuận mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner với tổng giá trị lên tới 5,6 tỷ USD. Lễ ký kết diễn ra tại Phòng Thương mại Mỹ dưới sự chứng kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

“Loạt máy bay thân rộng này với khả năng bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ (phía Boeing cũng đồng thời hỗ trợ các nỗ lực mở tuyến bay thẳng Việt - Mỹ) sẽ gia nhập đội bay của Bamboo Airways, chủ yếu hướng đến các đường bay dài tới thị trường quốc tế.

“Trước đó, vào tháng 3 đầu năm nay tại Pháp, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi cũng đã ký thoả thuận mua 24 máy bay Airbus A321 NEO cho Bamboo Airways”, ông Trịnh Văn Quyết viết trên trang Facebook cá nhân.

Cũng trên trang Facebook cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết đã chia sẻ bài diễn văn với tựa đề “Không gì là không thể” của nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ted Osius. Đây là bài diễn văn được ông Ted Osius đọc tại Trump International Hotels, Washington D.C, Mỹ - nơi diễn ra buổi roadshow của Tập đoàn FLC.

Bài diễn văn như sau:

"Tôi là một người ham mê đạp xe và năm 1997, tôi từng thực hiện một chuyến đạp xe xuyên Việt, vượt qua 2.000 cây số từ Hà Nội vào tới TP. Hồ Chí Minh.

Vì vậy, tôi muốn kể cho quý vị và các bạn một câu chuyện về hai hình ảnh của Việt Nam: Một là của 22 năm về trước, và một là nơi tôi đang sống cùng gia đình ngày hôm nay.

22 năm trước, thu nhập trung bình của người Việt chỉ là 300 USD một năm, và Việt Nam là một trong 10 nước nghèo nhất thế giới. Một nửa dân số sống trong điều kiện nghèo khổ. Nhưng ngày nay, con số này chỉ còn dưới 3%.

Với tốc độ phát triển trung bình hàng năm từ 6-7% trong nhiều thập kỷ, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có tốc độ phát triển cao thứ hai thế giới.

22 năm trước, giao dịch thương mại hàng năm giữa Hoa Kỳ và Việt Nam khoảng 500 triệu USD. Ngày hôm nay, con số này đã lên tới hơn 50 tỷ USD. Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại đứng vị trí thứ 2 tại Việt Nam, sau Trung Quốc.

Việt Nam cũng chính là thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất của Hoa Kỳ từ 2012 đến 2016. Tổng sản lượng xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD trong 2016, tăng 42% so với năm 2015 và tăng 77% so với năm 2014.

22 năm trước, có chưa đến 800 sinh viên Việt Nam đến Hoa Kỳ du học. Ngày nay, đã có hơn 30.000 sinh viên Việt Nam đến Hoa Kỳ hàng năm, xếp thứ 5 thế giới và số 1 tại Đông Nam Á về tỉ lệ du học sinh tại Hoa Kỳ, đóng góp hơn 700 triệu USD vào nền kinh tế Hoa Kỳ, tương đương 9.000 việc làm mỗi năm.

Trong 3 thập kỷ vừa qua, Việt Nam thu hút 160 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp FDI mang lại 70% sản phẩm xuất khẩu và một nửa sản phẩm công nghiệp tại Việt Nam.

Những doanh nghiệp này - bao gồm các công ty Hoa Kỳ - đã góp phần kích thích sự phát triển kinh tế thần tốc của Việt Nam.

Khi tôi quay lại Việt Nam với tư cách là Đại sứ, người ta hỏi tôi thấy điều gì đã thay đổi nơi đây. Đầu tiên, Việt Nam đã trở nên thịnh vượng hơn trước nhiều. Khi tôi đạp xe dọc đất nước này 22 năm về trước, xe đạp là phương tiện thịnh hành ở nông thôn hay thành thị. Bây giờ ngoài đường đa phần là ô tô và xe máy. Có những tòa nhà chọc trời, có cả các cửa hàng Louis Vuitton và Hermes để người ta vào đó mua sắm.

Thứ hai, Internet chưa tồn tại trong lần đầu tôi tới đây. Ngày nay, những người Việt trẻ đã nối mạng với thế giới. Có hơn 110 triệu điện thoại thông minh trên đất nước này, nhiều hơn cả dân số hiện tại. Hơn 55 triệu người Việt dùng Facebook, và họ có thể nói bất kỳ điều gì họ muốn.

60% dân số quốc gia có độ tuổi dưới 35. Đây là những người không biết nhiều về chiến tranh, nhưng lại rất giàu tri thức về kinh doanh.

Gia đình tôi đang sống ở thành phố năng động nhất Việt Nam, tên cũ là Sài Gòn. Ngày nay, TP. Hồ Chí Minh chính là trung tâm kinh tế của Việt Nam, chiếm 11% GDP cả nước hàng năm. Đây là vùng kinh tế trọng điểm thu hút vốn FDI, các hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Vào năm 2020, dân số thành thị Việt Nam sẽ đạt tới 35 triệu dân, tăng 35% so với 2010. Cùng năm này, tầng lớp trung lưu được dự đoán sẽ chiếm một nửa dân số. Số lượng người giàu đang lớn dần, nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Chỉ số tiêu dùng hàng năm tăng 7%.

Từng là Đại sứ tại Việt Nam và bây giờ là từ góc nhìn của một lãnh đạo Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, tôi nhìn thấy các cơ hội đầu tư về du lịch và lữ hành, hàng không, giáo dục, nhượng quyền kinh doanh và sản phẩm tiêu dùng, năng lượng, chăm sóc sức khỏe, thành phố thông minh, tài chính, xây dựng, bất động sản và nông nghiệp...

Việt Nam cũng có nhiều thách thức như ở mọi quốc gia phát triển nhanh khác. Lúc còn là Đại sứ tại Việt Nam, tôi đã nghe người ta phàn nàn về môi trường pháp luật, về sự minh bạch, quyền sở hữu trí tuệ, sự lệch pha giữa giáo dục và tay nghề. Nhưng Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực để giải quyết những điều đó.

Tôi xin gửi đến quý vị và các bạn một ví dụ. 22 năm trước, khi Hollywood làm phần tiếp theo của bộ phim về điệp viên 007 James Bond “Tomorrow Never Dies”, nhà sản xuất mong muốn được quay ở vịnh Hạ Long. Họ gặp phải nhiều khó khăn và trở ngại, sau đó đã quyết định quay ở Thái Lan. Phim về điệp viên 007 luôn thu hút du khách, nên đây là một lần bỏ lỡ cơ hội rất đáng tiếc.

Nhưng mọi thứ đã đổi khác vào năm 2016, khi đạo diễn Jordan Vogt-Roberts quyết định quay bộ phim “Kong: Skull Island” ở 3 địa điểm tại Việt Nam. Các quan chức chính quyền ở Hà Nội và các địa phương rất chào đón đoàn làm phim. Kết quả thật mỹ mãn, các cảnh quay ở vịnh Hạ Long chưa bao giờ đẹp đến thế.

Tôi đã tới thăm phim trường tại Ninh Bình để nói chuyện với nhà sản xuất, đạo diễn và dàn diễn viên. Họ rất tận hưởng thời gian ở Việt Nam.

Sau đó, tôi có theo đạo diễn Jordan vào Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới. Tỉnh Quảng Bình sở hữu 2 trong số 3 hang động lớn nhất thế giới và du lịch thám hiểm ở đây chắn chắn là một điều bạn chưa bao giờ trải nghiệm trong đời.

Tôi tiếp tục hành trình đạp xe của mình khắp đất nước và nhận ra một điều quan trọng, đó là sự phát triển của du lịch và lữ hành, không chỉ ở các điểm đến nổi tiếng. Con số du khách đã bắt đầu bùng nổ ở Việt Nam. Mọi người có thể biết đến vịnh Hạ Long, Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Họ cũng có thể biết Hội An, một cảng thị xinh đẹp.

Nhưng với Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Nghệ An thì sao? Tôi đã rong ruổi trên xe đạp ở những nơi này và Tập đoàn FLC cũng đã, đang và sẽ phát triển những khu du lịch nghỉ dưỡng rất đẹp ở đây. Tôi đã nhắc đến Quảng Bình, một vẻ đẹp đi lên từ khắc nghiệt trong nắng mưa của miền Trung vất vả. Mà cũng ở nơi đây, Tập đoàn FLC đang xây dựng một khu nghỉ dưỡng cạnh biển với tổ hợp sân golf đặc biệt.

Tập đoàn FLC cũng đã xây dựng một quần thể khách sạn 5 sao và công viên Safari tại tỉnh Bình Định, ở bờ biển phía Nam. Tôi đã tới thăm Quy Nhơn một vài tuần trước và nơi này còn gây choáng ngợp hơn cả Đà Nẵng, một nơi vốn dĩ tôi yêu thích. Tôi lớn lên ở vịnh Chesapeake, nên tôi biết nhiều về hải sản. Cua, mực, tôm hùm... ở Quy Nhơn có thể nói là ngon nhất nhì thế giới.

Tập đoàn FLC hiện đầu tư hơn 3 tỷ USD trên khắp Việt Nam. Với dự án đầu tư gần đây nhất, tập đoàn này đã tạo ra 4.000 việc làm ở Quy Nhơn, và góp phần phát triển hàng không tại Quy Nhơn với 20 chuyến bay một ngày vào/ra sân bay Phù Cát.

Bamboo Airways dự kiến sẽ cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên trong quý IV/2018. Hiện tại, chưa đến 10% dân số của Việt Nam có cơ hội bay, nên ngành hàng không tại Việt Nam sẽ còn rất phát triển. Hôm nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chứng kiến lễ kí kết giữa Bamboo Airways và Boeing. Với thương vụ trị giá 5,6 tỷ USD, Boeing sẽ bàn giao 20 máy bay 787-9 Dreamliners cho Bamboo Airways từ 2020 đến 2021.

Vì vậy, tôi tin rằng câu chuyện về Việt Nam sẽ tiếp tục rực rỡ. Tôi lạc quan vì năng lượng dồi dào và sự siêng năng của người Việt, về quyết tâm thành công trên thế giới và mong muốn nhiệt tình của họ để làm cho cuộc sống của con cháu họ tốt hơn. Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi việc đưa Việt Nam nhanh chóng đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển. Việt Nam sẽ là một nơi thực sự thú vị để sống và làm việc".

Tin mới lên