Nhân vật

'Ông trùm nước mắm' Nguyễn Đăng Quang trở thành tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam

(VNF) – Với khối tài sản 1,2 tỷ USD, "ông trùm nước mắm" Nguyễn Đăng Quang đã chính thức trở thành tỷ phú USD thứ ba của Việt Nam bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, theo Bloomberg.

'Ông trùm nước mắm' Nguyễn Đăng Quang trở thành tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam

Ông Nguyễn Đăng Quang trở thành tỷ phú USD thứ ba của Việt Nam.

Cổ phiếu của Masan Group đã tăng hơn gấp đôi trong 6 tháng qua đã giúp tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch và cũng là người sáng lập của công ty, lên 1,2 tỷ USD, theo số liệu của Bloomberg Billionaires Index.

Hướng tới nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng

"Khoảng 95% hộ gia đình Việt Nam sử dụng ít nhất một sản phẩm tiêu dùng của Masan", theo nhận định của ông David Anjoubault, Tổng giám đốc công ty Kantar Worldpanel Việt Nam, một công ty chuyên nghiên cứu về thị trường.

Cũng theo ông David: "Các nhà sản xuất thực phẩm địa phương như Masan sẽ có hiểu biết sâu sắc về nhu cầu và hành vi mua sắm của người bản địa, đó là yếu tố chính để dẫn tới thành công".

Trong bài phát biểu hồi tháng 4/2017, ông Quang khẳng định Masan tiếp cận kinh doanh theo góc độ "nhu cầu người tiêu dùng" và phục vụ thật tốt nhu cầu đó theo cách gọi của ông Quang là "phụng sự người tiêu dùng cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày".

Khoảng 95% hộ gia đình Việt Nam sử dụng ít nhất một sản phẩm tiêu dùng của Masan.

"Mỗi người có 4 nhu cơ bản: ăn - sống, tài chính, nói – nghe – nhìn, học hành", ông Quang nói và cho biết: "Ở nông thôn, nơi cư trú của hơn 60% dân số Việt Nam, người dân phải dành tới 50% thu nhập của mình để chi cho các nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày như thực phẩm và đồ uống, thực phẩm tươi sống (thịt) và các sản phẩm tài chính".

"Làm sao để người tiêu dùng phải trả ít hơn là mục tiêu, đừng tiếc với suy nghĩ nếu họ trả nhiều hơn thì mình sẽ có doanh thu tốt hơn. Người tiêu dùng chi trả ít hơn, họ sẽ chi trả cho những nhu cầu khác lớn hơn, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn", ông Quang nói.

Đây là lý do Masan chọn lĩnh vực kinh doanh trọng tậm hướng vào nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng, với sứ mệnh là tạo ra những sản phẩm và dịch vụ chất lượng, sáng tạo nhưng có giá cả phải chăng để đáp ứng nhu cầu cơ bản hàng ngày của người dân Việt.

Lao đao vì "nước mắm" và "thịt lợn"

Tháng 10/2016, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Thông tin sốc mà Vinastas đưa ra chính là "nước mắm càng cao đạm, càng chứa nhiều thạch tín".

Thông tin này gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng lẫn các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống trên khắp cả nước.

Từ đó, có tin đồn cho rằng công ty cổ phần Tập đoàn Masan, đơn vị cung cấp nước mắm công nghiệp Chinsu, Nam Ngư đứng đằng sau scandal này.

Mặc dù Masan nhanh chóng phủ nhận tin đồn nhưng thay vì tẩy chay nước mắm truyền thống, không ít nhà đầu tư đã nói không với cổ phiếu MSN của Masan. Chỉ trong vài ngày, công ty Masan "bốc hơi" gần 2.800 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.

Giá thịt lợn giảm đã ảnh hưởng mạnh đến doanh thu của Masan.

Tiếp đó, cơn bão giảm sâu của giá thịt lợn khởi nguồn từ những tháng cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 đã làm người chăn nuôi lao đao mà còn làm cho nhiều doanh nghiệp khốn khó. Doanh thu của Masan đã giảm 9% xuống còn 27.500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017 do cuộc khủng hoảng này.

Tuy nhiên, sau khi giá thịt heo ổn định trở lại, cổ phiếu của tập đoàn đã dần hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ. Cổ phiếu MSN đã có mức tăng gần 40% trong vòng quý cuối năm 2017, lên mức 60.000 đồng/cp (30/10), khối lượng giao dịch bình quân 682.138 cp/ngày.

Xuất phát từ "mỳ ăn liền"

Ông Quang bắt đầu kinh doanh vào những năm 90 sau nhiều năm nghiên cứu tại Nga, nơi ông có bằng Tiến sĩ Khoa học Công nghệ của Học viện Khoa học Quốc gia Belarus và bằng Thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế Nga Plekhanov.

Khởi điểm, ông bán mì ăn liền cho người Việt tại Nga, rồi xây dựng nhà máy đầu tiên với công suất 30 triệu gói/tháng, sản xuất mì, nước tương, nước mắm, tương ớt bán cho người bản xứ.

Trong lịch sử phát triển của Masan, mì ăn liền có thể xem là anh cả. Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang của Tập đoàn Masan được giới truyền thông gọi là "người dạy người Nga dùng mì gói và tương ớt".

Năm 2007, Masan đánh chiếm thị trường mì gòi bằng sản phẩm Omachi.

Lúc cao điểm, doanh số xuất khẩu của Masan sang thị trường Nga đạt trên 100 triệu USD mỗi năm.

Đến năm 2002, ông Quang đưa Masan trở về quê nhà bằng việc tung ra thị trường sản phẩm đầu tiên: nước tương Chinsu. Sang năm 2003 thì bắt đầu có thêm nước mắm Chinsu, sau này có thêm nước mắm Nam Ngư. Năm 2007, Masan mới bắt đầu đánh chiếm thị trường mì gòi bằng sản phẩm Omachi.

Kantar Worldpanel đã xếp Masan Consumer vào top ba thương hiệu hàng đầu của Việt Nam trong năm 2017 bên cạnh Unilever VN và Vinamilk.

Và những bước tiến

Tháng 4/2017, KKR - công ty quản lý quỹ đầu tư hàng đầu thế giới, đã hoàn thành việc ký kết các thỏa thuận đầu tư tổng cộng 250 triệu USD vào Masan Group và Masan Nutri-Science.

Thỏa thuận đầu tư của KKR bao gồm 150 triệu USD đầu tư vào Masan Nutri-Science (MNS) để sở hữu 7,5% cổ phần và 100 triệu USD mua lại cổ phần Masan Group từ PENM Partners - công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân của Đan Mạch.

Đây là khoản đầu tư thứ hai của KKR vào Masan, sau khoản đầu tư vào Masan Consumer Corporation với tổng giá trị 359 triệu USD.

Masan Consumer đứng thứ 5 trong danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất năm 2017 của Forbes Việt Nam với đạt giá trị thương hiệu là 217,9 triệu USD.

Gần đây, Masan Consumer cũng đã dành 3 triệu USD để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (R&D) tại Bình Dương. Với khoản đầu tư này, Masan Consumer tự hào khi sở hữu một trong những trung tâm R&D về thực phẩm và đồ uống lớn nhất tại Việt Nam.

Hiện ông Nguyễn Đăng Quang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc của Masan Group.

Hiện ông Nguyễn Đăng Quang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của Masan Group. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch của Masan Consumer, thành viên HĐQT của Techcombank, và Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo.

Theo hồ sơ của công ty gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Quang và vợ của ông là bà Hoàng Yến nắm giữ 49% cổ phần của Masan.

Trước ông Quang, Việt Nam đã có 2 tỷ phú USD được Bloomberg ghi nhận, bao gồm tỷ phú bất động sản Phạm Nhật Vượng của Vingroup và tỷ phú hàng không Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet Air. Bà Thảo cũng là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của khu vực Đông Nam Á.

>> Tỷ phú Việt thăng hạng chóng mặt trong danh sách người giàu nhất thế giới

Tin mới lên