Bất động sản

‘Ông vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn tiếp tục muốn đầu tư vào sân bay Phú Quốc

(VNF) – Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đề xuất và mong muốn Bộ Giao thông vận tải cho phép được đầu tư 2.000 tỷ đồng để xây dựng thêm 1 đường băng cất hạ cánh tại sân bay Phú Quốc (Kiên Giang).

‘Ông vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn tiếp tục muốn đầu tư vào sân bay Phú Quốc

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiếp tục muốn đầu tư vào sân bay Phú Quốc

Được biết, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ nghiên cứu để góp một phần vốn, IPP và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ góp số vốn còn lại.

Sau khi xây dựng xong, IPP sẽ bàn giao đường băng cho ACV quản lý, khai thác, vận hành theo sự thống nhất của các bên.

Ngoài ra, IPP cũng mong muốn được phối hợp cùng ACV đầu tư xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 7.000 tỷ đồng. Dự kiến nhà ga có công suất đón 10 triệu khách/năm tại Phú Quốc.

IPP hiện là cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược của Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco), đồng thời cũng là cổ đông lớn nhất của Công ty nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh đang được đầu tư xây dựng với công suất 8 triệu khách/năm, tổng vốn đầu tư 3.735 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý II năm nay.

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, ngoài việc mở rộng hoạt động kinh doanh phòng khách CIP tại nhà ga quốc tế Cam Ranh, vào đầu tháng 3/2018, Sasco cũng đã quyết định thành lập chi nhánh công ty tại Khánh Hòa, với ngành nghề chính là kinh doanh hàng miễn thuế.

Được biết, sau hàng không, Sasco dường như muốn "lấn sân" sang các hoạt động liên quan đến hỗ trợ cho vận tải đường sắt và đường bộ.

Cụ thể, trong một diễn mới đây, Sasco - nơi ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT - đã đề nghị cùng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cải tạo toàn bộ mặt bằng tầng 1, tầng 2 ga Sài Gòn cho phù hợp với mục đích kinh doanh phục vụ nhu cầu của khách đi tàu (cửa hàng bán lẻ, cửa hàng café, nhà hàng ăn uống, phòng khách) và tác nghiệp hành khách (bán vé, khu vực đợi tàu) với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng.

Theo đó, Sasco sẽ trả cho Tổng công ty Đường sắt khoảng 2 tỷ đồng/năm để được sử dụng toàn bộ mặt bằng nhà ga trong thời gian 5 năm kể từ khi hoàn tất việc sửa chữa.

>> Xem thêm: Ông Jonathan Hạnh Nguyễn: Kế hoạch 2018 là thách thức với Sasco

"Ông vua hàng hiệu" trên thị trường Việt Nam - Johnathan Hạnh Nguyễn chính thức giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị Sasco từ tháng 4/2017. Trong khi đó, vợ ông là bà Lê Hồng Thủy Tiên đã gia nhập công ty này từ cuối năm 2014 và hiện là thành viên hội đồng quản trị của Sasco.

Ngoài ra, bà Tiên còn là tổng giám đốc công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP Group) - cổ đông lớn thứ hai của Sasco với tỷ lệ sở hữu gần 25%, chỉ xếp sau Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với 49,07%.

Tin mới lên