Bất động sản

‘Online hóa’ giao dịch bất động sản: Vì sao vẫn chưa thể phổ biến?

(VNF) – Mặc dù là một xu thế phát triển phổ biến trên thị trường bất động sản ở các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia… nhưng tại Việt Nam, giao dịch bất động sản online dường như vẫn còn là một khái niệm xa xỉ.

‘Online hóa’ giao dịch bất động sản: Vì sao vẫn chưa thể phổ biến?

Giao dịch bất động sản online được nhận định là xu thế tất yếu trong tương lai gần

Mô hình không rủi ro

Trong một báo cáo đưa ra gần đây của sàn bất động sản Rồng Bay, kết quả khảo sát trong 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy có tới 76% khách hàng mua nhà sử dụng internet để tìm kiếm thông tin trước khi đưa ra quyết định, 57% trong số đó đã đạt được thành công trong giao dịch mua nhà trên thực tế. Và điều quan trong hơn nữa là con số này đang tiếp tục gia tăng.

Mặc dù chỉ là kết quả của một cuộc khảo sát nhỏ nhưng những con số nêu trên vẫn cho thấy một điều: nhu cầu tìm kiếm thông tin về dự án bất động sản trên mạng internet tại Việt Nam khá cao, bất chấp dữ liệu trên mạng luôn trong tình trạng "ảo" và hỗn loạn.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh hệ thống dữ liệu thông tin bất động sản quốc gia còn chưa được thành lập thì việc phát triển mô hình sàn giao dịch online sẽ giải quyết nhu cầu thông tin "sạch" cho doanh nghiệp và người mua nhà.

Bằng việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến như xem nhà mẫu qua camera360, xem tổng quan dự án qua flycam, xem tiến độ dự án thực tế của video realtime… sàn giao dịch bất động sản online sẽ cung cấp cho khách hàng những thông tin đầy đủ và khách quan nhất.

Ngoài ra với công nghệ Big Data và Data Mining, đội ngũ môi giới sẽ nắm bắt được nhu cầu thực của khách hàng, qua đó tư vấn hiệu quả từ việc lựa chọn căn hộ đến gói vay ngân hàng và các phương án hoàn thiện.

Mô hình sàn bất động sản online được đánh giá mang lại rất nhiều lợi ích. Với người mua nhà, giao dịch online giúp họ có được sự lựa chọn chính xác nhất thông qua việc minh bạch hoá thông tin và dịch vụ tư vấn tức thời, giúp họ mua được căn nhà như ý với giá gốc từ chủ đầu tư.

Còn về phía chủ đầu tư, mô hình này sẽ giúp phủ rộng tới lượng khách hàng lớn hơn, đa dạng hơn, đồng thời tiết kiệm một phần đáng kể chi phí bán hàng.

Đặc biệt, sàn giao dịch online được nhìn nhận là không chứa đựng bất kì rủi ro nào, bởi khách hàng được tiếp cận thông tin đa chiều và cụ thể, ngay cả việc đặt cọc cũng được xác thực bởi các tổ chức thanh toán quốc tế.

Không phải doanh nghiệp nào cũng làm được

Dù mang trong mình rất nhiều ưu điểm, thế nhưng trái ngược với sự bùng nổ của thương mại điện tử, thực tế cho thấy sàn giao dịch bất động sản online vẫn là một khái niệm xa lạ tại Việt Nam.

Lý giải về sự chậm trễ này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc VCCorp, CEO sàn bất động sàn Rồng Bay – đơn vị đầu tiên thực hiện giao dịch bất động sản online – nhận xét: "Đa số các doanh nghiệp Việt Nam làm về thương mại điện tử đều đang đi theo xu hướng bắt chước các mô hình trên thế giới, bán những sản phẩm tiêu dùng là chính chứ chưa chú ý đến mảng bất động sản. Ngoài ra, để đưa được bất động sản lên online là điều không dễ, không phải ai cũng có thể làm được".

Theo ông Tuấn, để đưa được bất động sản lên online đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng được hàng loạt yếu tố khắt khe bao gồm: có lượng traffic trên online cực lớn, phủ tới nhiều đối tượng khác nhau; minh bạch được thông tin; quy trình tư vấn, chăm sóc và bán hàng chặt chẽ, chuyên nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để phát huy lợi thế trên online; tập trung giải quyết các bài toán cụ thể mang lại hiệu quả và lợi ích cao nhất cho khách hàng và chủ đầu tư.

Nhận định đây sẽ là xu thế tất yếu trong tương lai gần, ông Tuấn cho rằng các doanh nghiệp cần tự thay đổi mình để có thể bắt kịp đà phát triển hiện nay.

Tin mới lên