Diễn đàn VNF

PGS.TS Trần Đình Thiên: Chất lượng của các con số kỷ lục mới đáng quan tâm

Mặc dù các chỉ số vĩ mô rất lạc quan nhưng chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên vẫn bày tỏ lo ngại về việc bong bóng mang tính chu kỳ sẽ có nguy cơ xảy ra như câu chuyện của 10 năm trước.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Chất lượng của các con số kỷ lục mới đáng quan tâm

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Khái quát về bức tranh kinh tế Việt Nam và đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2018 tại Hội thảo "Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018" do VTV và BizLIVE tổ chức sáng 5/1, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng và các con số kỷ lục của năm 2017 cần có cách nhìn nhận đúng bản chất.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng: "Đối với Việt Nam, mọi sự phấn khởi đều dẫn đến mất bình tĩnh. Báo chí hay thị trường sử dụng từ kỳ tích 2017 nhiều đến mức dường như chúng ta hơi say sưa vì thắng lợi".

Theo ông Thiên, các số liệu chúng ta biết như số liệu tăng trưởng năm qua 6,81% cao nhất 8 - 9 năm trở lại đây. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 400 tỷ USD, vốn FDI giải ngân 17,5 tỷ USD, dự trữ ngoại hối 51,5 tỷ USD, số doanh nghiệp thành lập mới gần 127 nghìn.

Xuất phát điểm thấp như đầu năm, những con số trên sẽ khiến ai cũng sửng sốt là kỳ tích nhưng nhiều chuyện còn hấp dẫn hơn, ở khía cạnh kinh tế nên đánh giá bình tĩnh hơn. Có lẽ quan trọng hơn tăng trưởng 6,81% là các động thái, do cưỡng bức phải thay đổi hay do chúng ta chủ động.

Về chất lượng của tăng trưởng GDP hay chất lượng của tăng trưởng xuất khẩu cũng cần bàn lại vì nó có liên quan đến cơ cấu. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận thành tích năm nay. Nhưng vấn đề đáng quan tâm là chất lượng của các con số và chất lượng của cơ cấu.

Nhìn ở khía cạnh chất lượng của tăng trưởng và những con số, ông Thiên phân tích: cơ chế tăng trưởng, cơ cấu ngành, vùng còn chưa thay đổi được; doanh nghiệp trong nước có nền tảng quan trọng bậc nhất nhưng còn yếu, đang cần cải cách.

Kinh tế tư nhân tăng nhiều nhưng nhỏ bé, thiếu liên kết. Ngành tài chính ngân hàng, thị trường chứng khoán bùng lên nhưng nền tảng cấu trúc tài chính ngân hàng còn yếu.

Nguồn nhân lực, cấu trúc tương lai nền kinh tế chưa có gì cả. Một số biểu đồ cho thấy gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, chi phí logistics cao tới 18% của GDP, có số liệu còn cho là hơn 20% trong khi trung bình thế giới chỉ là 11% GDP.

Gánh nặng về thủ tục, đặc biệt là giấy phép con vẫn còn, các bộ đang quyết tâm cắt giảm nhưng cũng còn mất thời gian. Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn chủ yếu dừng lại ở gia công chứ chưa phải công nghệ cao...

Cùng quan điểm, TS Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, 2 - 3 năm qua mới là giai đoạn phục hồi rõ hơn, chứ chưa tăng trưởng bền vững và lâu dài. Về thành tích của năm qua, đừng lạc quan tếu. Đây mới chỉ là phục hồi tốt hơn, thể hiện ở tăng trưởng GDP cả ba năm qua là trên 6%.

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế.

Câu chuyện cuối cùng vẫn là năng suất lao động, năng suất lao động của Việt Nam năm nay tăng chỉ ở mức vừa phải. Một số ngành năng suất của Việt Nam ở mức trung bình của ASEAN, còn một số ngành có thể còn thấp hơn cả Lào.

Đằng sau câu chuyện tăng năng suất lao động là sự dịch chuyển nội ngành hay ngoài ngành. Hiện nay tăng trưởng của nông nghiệp là cao nhất. Lĩnh vực tăng trưởng năng suất cực thấp là dịch vụ. Những shop nhỏ nhỏ tăng năng suất lao động rất thấp, nhưng không phải lĩnh vực nào năng suất của Việt Nam cũng là thấp nhất.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam nhìn nhận, về kinh tế 2017, sự khởi sắc kinh tế diễn ra trong năm qua, nhóm yếu tố rất quan trọng là tính chu kỳ ngắn hạn của kinh tế.

Sự khởi sắc của kinh tế thế giới, hầu hết các nền kinh tế phát triển hay mới nổi đều cải thiện và Việt Nam trong bối cảnh chung như vậy.

Ông Nguyễn Xuân Thành.

Thứ hai, vấn đề tỷ giá, đồng USD xuống giá 10% so với bình quân các đồng tiền khác, trong khi đồng Việt Nam giữ bình ổn so với đồng USD. Tăng trưởng xuất khẩu của mình sang Mỹ không cao, chỉ 8%; sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc mới tăng mạnh, trong đó có yếu tố tỷ giá. Ở trong nước mang tính chu kỳ là sự cải thiện tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp Việt Nam là có. Theo tính toán của Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, suất sinh lợi lên đến 10,1% năm 2017, điều này phản ánh yếu tố có thực.

Thứ ba, đó là công nghiệp chế biến chế tạo, sự dẫn dắt của FDI, trong lĩnh vực điện tử và thép, cần cân nhắc trong phân tích tiếp theo. Nếu tin vào số liệu chính thức của GSO, công nghiệp chế biến tăng 14,2%, trong 18 ngành công nghiệp chế biến, chỉ có hai ngành có tốc độ tăng trưởng trên mức bình quân, đằng sau điện tử là Samsung, sau kim loại là Formosa.

Những ngành mang tính truyền thống giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng cao nhưng tăng trưởng thấp như chế biến lương thực thực phẩm chiếm 18% công nghiệp chế biến chế tạo, nhưng tăng 5,9%. Hay ngành da giày chiếm tỉ trọng 9% nhưng tăng 5,1%. Vì vậy, cần có những số liệu, thống kê khớp hơn vì sao công nghiệp tăng mạnh như vậy nhưng chỉ có 2 ngành tăng trên trung bình.

Tin mới lên