Tài chính tiêu dùng

Phác họa cục diện tài chính tiêu dùng trong tương lai

(VNF) - FE Credit thống trị tới 50% thị phần nhưng công ty tài chính tiêu dùng này khó có thể “kê cao gối ngủ”, giữa lúc các đối thủ hiện hữu đang quyết liệt bám đuổi phía sau và áp lực từ các đối thủ mới gia nhập ngành cũng đang “rầm rập” kéo tới.

Phác họa cục diện tài chính tiêu dùng trong tương lai

“Miếng bánh” thị phần sẽ còn ghi nhận những thay đổi lớn, thậm chí thường xuyên có những hoán đổi về vị trí trong tương lai.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra một thông tin đáng chú ý: tốc độ tăng trưởng cho vay của Home Credit gần gấp đôi của FE Credit. Diễn biến này cho thấy mặc dù FE Credit thống trị tới 50% thị phần nhưng công ty tài chính tiêu dùng này khó có thể “kê cao gối ngủ”, giữa lúc các đối thủ hiện hữu đang quyết liệt bám đuổi phía sau và áp lực từ các đối thủ mới gia nhập ngành cũng đang “rầm rập” kéo tới.

Hai rào cản chính đối với các công ty tài chính tiêu dùng đi sau là vấn đề huy động vốn và kênh phân phối. Tuy nhiên nhìn chung, lợi thế về huy động vốn giữa các công ty đi trước và đi sau là không chênh lệch nhiều.

Dù là “lão làng” như FE Credit, HDSaison hay “tân binh” như SHB FC, MCredit thì các công ty tài chính này vẫn phải huy động vốn thông qua chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu, hợp đồng vay với ngân hàng (lãi suất theo quy định chung)… chứ không được huy động tiền gửi từ tổ chức, dân cư (quy định này nhằm hạn chế rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản và nợ xấu).

Với các công ty tài chính tiêu dùng ngoại, mặc dù không có sự hậu thuẫn của ngân hàng mẹ như đa phần các công ty tài chính trong nước nhưng thay vào đó lại có sự hậu thuẫn từ công ty mẹ ở nước ngoài với tiềm lực tài chính lớn, không chỉ rót vốn trực tiếp mà còn giúp huy động vốn từ các đối tác nước ngoài.

Chẳng hạn như Home Credit nhận được hỗ trợ từ công ty mẹ Home Credit B.V chuyên “đánh chiếm” thị trường tài chính tiêu dùng khắp nơi trên thế giới (Trung Quốc, Séc, Nga, Việt Nam, Ấn Độ, Kazakhstan, Slovakia, Philippines, Indonesia). Hay như Prudential FinanceTechcom Finance nhận sự hậu thuẫn từ 2 “ông trùm” tài chính Hàn Quốc là Shinhan và Lotte.

Tất nhiên, vẫn có những sự khác biệt. Một là công ty càng lớn, thị phần càng nhiều, lợi nhuận càng cao thì càng dễ huy động vốn vay. Hai là với các công ty đủ lớn (như FE Credit, HDSaison) hoàn toàn đã có thể tiến hành IPO, qua đó huy động lượng lớn nguồn vốn cả từ các nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư nhỏ lẻ, vừa nâng vốn tự có, vừa tăng hạn mức đi vay do hệ số an toàn vốn được nâng lên.

Cán cân thị phần tài chính tiêu dùng sẽ còn thay đổi nhiều trong tương lai

Rào cản về kênh phân phối mặc dù lớn nhưng không có nghĩa là quá khó khăn với các công ty tài chính tiêu dùng đi sau.

Hiện chiến lược của các công ty tài chính tiêu dùng vẫn là tăng trưởng theo chiều rộng thông qua mở rộng kênh phân phối, tiếp cận đến các đối tượng khách hàng tiềm năng chưa khai thác.

Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), các công ty tài chính mới chỉ khai thác được 18 triệu trong số 38 triệu hồ sơ cá nhân, phần nào lý giải một cách trực diện vì sao ưu tiên số 1 của các công ty tài chính hiện tại là mở rộng, mở rộng và mở rộng.

Ở giai đoạn cạnh tranh theo chiều rộng, cơ hội cho các doanh nghiệp đi sau là khá nhiều bởi dư địa phát triển còn lớn, kênh phân phối cũng như khách hàng chưa khai thác còn nhiều. Điều này cho thấy “miếng bánh” thị phần sẽ còn ghi nhận những thay đổi lớn, thậm chí thường xuyên có những hoán đổi về vị trí trong tương lai.

Một điểm khác cũng rất cần lưu tâm, ảnh hưởng đến cục diện tài chính tiêu dùng trong tương lai, là vấn đề về chất lượng khách hàng.

Hiện nay, việc các công ty tài chính chạy đua tăng trưởng theo chiều rộng khiến chất lượng khách hàng không đảm bảo. Tình trạng khách hàng cảm thấy “bị lừa” là khá phổ biến, đồng nghĩa với đó là họ sẽ hiếm khi quay lại công ty tài chính họ vay.

Đây là nguy cơ với công ty tài chính có chất lượng khách hàng quay lại thấp và là cơ hội cho các đối thủ. Nếu cứ “ỷ lại” vào việc dư địa thị trường còn lớn, có thể bù đắp lượng khách hàng “một đi không trở lại” bằng lượng khách hàng mới thì triển vọng tương lai của công ty tài chính là không bền vững.

Ngược lại, cẩn trọng trong từng bước đi, nâng dần chất lượng khách hàng, mặc dù có thể khiến tăng trưởng trước mắt chậm hơn nhưng nền tảng sẽ vững vàng, là tiền để để bật lên trong tương lai khi thị trường dần đi đến bão hòa.

Tin mới lên