Tài chính

Phần vốn nhà nước tại Vinawaco: Gập ghềnh đường về SCIC

(VNF) - Đang có sự lúng túng nhất định của Bộ Giao thông - Vận tải liên quan đến việc chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước đối với lô cổ phần chiếm 36,62% vốn điều lệ tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP (Vinawaco).

Phần vốn nhà nước tại Vinawaco: Gập ghềnh đường về SCIC

Tàu hút bùn công suất 4.000 tấn của Vinawaco

Bối rối

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan đến việc chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước tại Vinawaco về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2888/VPCP - KTTH ngày 29/3/2018; đồng thời nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp để thực hiện chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước tại Vinawco về SCIC.

Cần phải nói thêm rằng, tại Công văn số 2888/VPCP - KTTH, có 2 chỉ đạo rất quan trọng của Chính phủ để xử lý nút thắt trong việc hoàn tất quá trình cổ phần hóa tại Vinawaco.

Theo đó, việc xử lý các khoản nợ gốc, lãi vay và lãi phạt của Vinawaco tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) một lần nữa được Chính phủ chỉ đạo là phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Giao Bộ GTVT tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan hướng dẫn Vinawaco xử lý các tồn tại theo đúng quy định pháp luật, không để mất vốn nhà nước.

Bộ GTVT cũng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo rà soát, làm rõ cơ sở pháp lý để Vinawaco đã hạch toán giảm nợ ngân hàng và tăng lãi cho sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở đó xác định và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định pháp luật.

Được biết, thực hiện Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 6/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinawaco, Bộ GTVT đã tiến hành chuyển đổi doanh nghiệp sang công ty cổ phần từ ngày 30/5/2014 với vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, trong cổ đông Nhà nước nắm giữ 109,8 tỷ đồng, chiếm 36,62% vốn điều lệ.

Theo quy định, quá trình cổ phần hóa Vinawaco chỉ được coi là kết thúc sau khi Bộ GTVT hoàn tất việc xử lý các tồn tại tài chính, xác định lại giá trị phần vốn nhà nước và chuyển quyền đại diện phần vốn nhà nước tại tổng công ty này về SCIC.

Tuy nhiên, các khoản nợ, lỗ hình thành từ giai đoạn trước cổ phần hóa liên tục được “phát lộ” không chỉ là nỗi ám ảnh của các cổ đông, mà còn khiến việc chuyển giao quyền đại diện không thể thực hiện được, trong đó nặng nhất là khoản nợ trị giá 53 tỷ đồng từ Vietcombank. Tính đến thời điểm này, chỉ trong vòng 4 năm sau cổ phần hóa, thông qua kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ, phân tích báo cáo quyết toán tài chính 7 công ty con có vốn góp… Vinawaco phát hiện ít nhất 14 khoản nợ, lỗ, với tổng số tiền lên tới hơn 137 tỷ đồng.

Đại diện cổ đông chiến lược hiện nắm chi phối tại Vinawaco cho rằng, nếu tính cả khoản lỗ giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu nêu trên và các khoản phát sinh khác, tổng giá trị đề nghị giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 137 tỷ đồng (chưa tính khoản nợ phải trả Ngân hàng Vietcombank đã được các bên xác nhận là 53,155 tỷ đồng).

“Phần vốn nhà nước tại Vinawaco chiếm 36,62% vốn điều lệ, tương đương 109,8 tỷ đồng. Nếu các tồn tại này được xử lý, thì phần vốn nhà nước sẽ bị âm 30,3 tỷ đồng”, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco thông tin.

Trong khi đó, Bộ GTVT lại muốn dùng Biên bản kiểm tra thuế tại Vinawaco do Cục Thuế TP. Hà Nội lập ngày 10/3/2016, làm cơ sở thực hiện quyết toán tiền thu từ cổ phần hóa xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, với khoản lỗ chỉ vỏn vẹn 993,8 triệu đồng.

Lúng túng

Việc không thống nhất được các tồn tại về tài chính là một trong những nguyên nhân khiến Vinawaco sau 4 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (30/5/2015) vẫn chưa thể quyết toán vốn để xác định phần vốn nhà nước - thủ tục quan trọng nhất để khép lại quá trình cổ phần hóa cũng như việc chuyển phần vốn này sang SCIC.

Trong Công văn số 6764 xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho rằng, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinawaco sẽ căn cứ trên giá trị được phê duyệt tại Quyết định số 1591/QĐ-BGTVT ngày 28/4/2014 của Bộ GTVT điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp cổ phần hóa (109,8 tỷ đồng).

Sau khi chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước, Bộ GTVT sẽ chủ trì, phối hợp với SCIC, Vinawaco thực hiện xử lý các tồn tại về tài chính của doanh nghiệp, quyết toán, công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu theo quy định của pháp luật về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và điều chỉnh giá trị phần vốn nhà nước đã chuyển giao.

Tuy nhiên, Vinawaco cho rằng, lộ trình chuyển giao này là không thể thực hiện được vì trái với Nghị định số 59/2011/NĐ - CP ngày 18/7/2011 và Thông tư số 127/TT - BTC ngày 5/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Theo đó, các tồn tại tài chính tại đơn vị cổ phần hóa cần phải xử lý dứt điểm, trước khi chính thức chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về SCIC.

Ông Ngô Văn Tuấn nhận xét, Bộ GTVT là đơn vị trực tiếp thực hiện quá trình cổ phần hóa Vinawaco mà không quyết toán dứt điểm được thì SCIC làm sao có thể xử lý nổi những tồn đọng phức tạp này.

Được biết, Bộ GTVT đang thực sự bối rối trước các góp ý của các bộ, ngành liên quan. Trong khi Bộ Tư pháp cho rằng, đề xuất về lộ trình chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước của Vinawaco về SCIC là có cơ sở pháp lý, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng, Vinawaco chưa hoàn thành quyết toán do còn một số tồn tại về tài chính. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị chưa chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước từ Bộ GTVT về SCIC tại thời điểm này, đồng thời đề nghị Bộ GTVT khẩn trương thực hiện theo yêu cầu tại Công văn số 2888/VPCP - KTTH.

Tin mới lên