Phát ngôn & Hành động

Mở rộng đối tượng được thành lập cơ quan báo chí

(VNF) - Trả lời phỏng vấn của báo điện tử Infonet về các điểm mới của dự thảo Luật Báo chí sửa đổi vừa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: Luật Báo chí sửa đổi dự thảo được thiết kế với nhiều điểm mới theo hướng tăng loại hình tổ chức được xuất bản báo chí và trao quyền tự chủ nhiều hơn cho cơ quan báo chí.

Mở rộng đối tượng được thành lập cơ quan báo chí

Thứ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn. (Ảnh Infonet)

Dự thảo Luật Báo chí lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.

Trong đó, đáng chú ý là các quy định mới về đối tượng thành lập cơ quan báo chí; về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; về lãnh đạo cơ quan báo chí; về giấy phép; về liên kết trong hoạt động báo chí; về cải chính, phản hồi thông tin; về xử lý vi phạm…

"Đơn cử như đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, dự thảo Luật quy định ngoài các đối tượng như Luật hiện hành, các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; Tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; Bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên đều được ra tạp chí khoa học, không phân biệt cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, bệnh viện thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài hay công lập", ông Trương Minh Tuấn cho biết.

Như vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí, Thứ trưởng Tuấn cho biết dự thảo Luật cho phép cơ quan báo chí thực hiện việc liên kết với các đối tác trong và ngoài nước ở các mức độ và hình thức khác nhau để thực hiện việc thiết kế, trình bày, khai thác quảng cáo, in ấn, phát hành báo chí, sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình.

Dự thảo cũng quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân; thời lượng tối đa được phép liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định của nhà nước và kênh thời sự - chính trị - tổng hợp; thời lượng tối đa mà cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình.

Dự thảo Luật còn quy định cơ quan báo chí chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm trong hoạt động liên kết, không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, nhằm cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí.

Về tên gọi lãnh đạo cơ quan báo chí, theo ông Trương Minh Tuấn, dự thảo luật cũng đưa ra các quy định mới để phù hợp với mô hình tòa soạn đa phương tiện, mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí, kênh, hệ chương trình.

Người đứng đầu cơ quan báo chí (lãnh đạo cơ quan báo chí) được gọi là giám đốc hoặc tổng giám đốc. Tổng biên tập là người chịu trách nhiệm về nội dung,  phụ trách một hoặc nhiều ấn phẩm, còn lãnh đạo cơ quan báo chí là người phụ trách chung. Người đứng đầu cũng có thể kiêm nhiệm tổng biên tập một hoặc một vài ấn phẩm, kênh, hệ.

"Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền đăng tải nội dung thông tin có tính chất báo chí trên truyền thông xã hội. Tuy nhiên, nếu nội dung được đăng tải đó xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của đất nước thì đó là hành vi bị cấm", Thứ trưởng Tuấn nói với PV Infonet.

Tin mới lên