Tài chính

Phí dịch vụ đi lên, giá vé máy bay liệu có ‘đứng yên’?

(VNF) –Thông tin chính thức về quyết định tăng phí dịch vụ hàng không khiến nhiều người lo ngại về mức giá vé máy bay trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy, lãi ròng của ACV có thể vượt mức 5.000 tỷ đồng vào năm 2018.

Phí dịch vụ đi lên, giá vé máy bay liệu có ‘đứng yên’?

Năm 2018, SSI Research ước tính doanh thu của ACV sẽ đạt 18.308 tỷ đồng, tăng trưởng 15,1%. Lợi nhuận ròng lên tới 5.520 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hàng Quyết định 2345/QĐ – BGTVT điều chỉnh tăng các loại phí dịch vụ chuyên ngành hàng không tại Cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

Thời gian áp dụng quy định mới bắt đầu từ 1/10/2017 theo lộ trình hàng quý và kết thúc dự kiến từ ngày 1/7/2018. Theo đó, trong khung giờ bình thường, mức giá cất cánh và hạ cánh sẽ điều chỉnh tăng 5% so với quy định hiện tại (Quyết định 1992 ngày 15/8/2014 của Bộ Tài chính). Trong giai đoạn tiếp theo, từ tháng 7/2018, mức giá này lại tiếp tục tăng thêm 10% nữa. Mức giá trung bình trong khung giờ cao điểm sẽ áp dụng mức thu bằng 115% giờ bình thường. Còn vào khung giờ thấp điểm, mức phí này sẽ chỉ bằng 85% giờ bình thường.

Như vậy, mức giá cất cánh, hạ cánh của các tàu bay như ATR70 là 698.000 đồng/lần, tàu A320 và A321 là 1,5 triệu đồng/lần, tàu A350, B787, B777, A330 vào khoảng trên 5,8 triệu đồng/lần.

Cũng theo Quyết định mới, phí dịch vụ hành khách trong nước và phí an ninh hàng không cũng tăng đồng loạt. Đối với khách nội địa, việc điều chỉnh tăng theo lộ trình 3 giai đoạn. Đầu tiên là từ 1/10/2017 đến hết 31/12/2017, mức giá mới sẽ là 11.818 đồng/khách, tăng 2.728 đồng so với hiện tại. Giai đoạn 2 từ 1/1/2018 – 31/3/2018, mức giá áp dụng là 13.636 đồng/khách. Cuối cùng, từ 1/4/2018 trở đi, áp dụng mức giá 18.181 đồng/khách. Về phí an ninh hàng không (trong nước và quốc tế), mức giá sẽ tăng 33% với hành khách quốc tế và 100% với hành khách nội địa.

Ngoài ra, đối với khách quốc tế, mức giá về cơ bản vẫn giữ nguyên, chỉ điều chỉnh tại một số cảng được nâng cấp như Đà Nẵng, Cát Bi và Vinh. Theo đó, giá phục vụ hàng khách nước ngoài tại Đà Nẵng (nhà ga quốc tế mới) là 20 USD/khách, tăng 4 USD so với hiện tại. Tại Cảng quốc tế Vinh và Cát Bi, con số này là 14 USD, tăng tới 6 USD so với giá hiện hành.

Giá vé sẽ chỉ tăng nhẹ

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), mức tăng giá vé máy bay sẽ rất thấp. Ước tính theo giá dịch vụ mới, các hãng hàng không dự kiến sẽ tăng chi hơn 161,53 tỷ đồng/năm, xấp xỉ 4.531 đồng/hành khác, chiếm 0,1% giá vé máy bay. Như vậy, hành khách sẽ chỉ phải trả thêm khoảng 30.000 đồng/người. Việc tăng giá dịch vụ sẽ không tác động nhiều đến hành khách và các hãng hàng không, nhưng lại giúp cho ACV có thêm nguồn vốn đáng kể để đầu tư kết cấu hạ tầng.

Còn về phía các hãng hàng không, đại diện Vietjet Air cho biết, hiện hãng vẫn chưa lên phương án tăng giá vé. Tuy nhiên, do giá vé được cấu thành từ rất nhiều loại thuế, phí khác nhau nên việc tăng giá vé máy bay là điều không thể tránh khỏi.

Đại diện Jetstar Pacific cho hay, "tăng cái này thì ắt sẽ dẫn đến tăng cái kia", do đó, khi các chi phí cho thuê, phí dịch vụ tăng lên thì giá vé cũng sẽ được điều chỉnh tăng. Mặc dù vậy, với cách bán vé hiện tại của hãng, chi phí hàng không tăng cũng không tác động nhiều đến mức giá vé máy bay của Jetstar.

Ngoài ra, đại diện một hãng hàng không nội địa cũng giải thích, việc tăng phí được phân thành 2 loại, trong đó một số loại phí thu hộ như phí sân bay, phí soi chiêu… sẽ được cập nhật trên hệ thống, được hiển thị minh bạch. Một số phí được tính trực tiếp vào chi phí của vé máy bay thì sẽ được các hãng tính toán và điều chỉnh phù hợp.

ACV "bội thu" trong năm tới

Do hưởng lợi nhờ việc tăng phí dịch vụ hàng không nội địa từ quý IV/2017, SSI Research dự đoán lợi nhuận trước thuế của ACV có thể tăng thêm 210 tỷ đồng năm 2017 và 1.200 tỷ đồng năm 2018.

Cũng theo dự báo của SSI Research, chi phí bảo dưỡng trong năm 2017 và 2018 sẽ giảm nhờ kế hoạch bảo dưỡng của ACV cho khu bay tại một số sân bay và sửa chữa nhà ga T1 Nội Bài cho năm 2017 vẫn chưa được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận và rất có thể sẽ được chuyển vào năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, khoản vay ODA từ Nhật sẽ tăng 6% trong năm 2017 và 2018 do đồng Yên tăng so với USD. Điều này xuất phát từ những biến động bất ổn về chính trị thế giới cũng như sự phục hồi chậm hơn mong đợi của nền kinh tế Mỹ.

SSI Research dự tính doanh thu hợp nhất của ACV sẽ chạm ngưỡng 15.913 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2016 (loại trừ doanh thu của SGN và SAS trong năm 2016). Lợi nhuận ròng đạt 4.760 tỷ đồng và nếu lại loại trừ các khoản thu bất thường từ năm trước, lãi trước thuế năm 2017 sẽ tăng trưởng 45% so với cùng kỳ.

Đồng thời, năm 2018, SSI Research ước tính doanh thu của ACV sẽ đạt 18.308 tỷ đồng, tăng trưởng 15,1%. Lợi nhuận ròng lên tới 5.520 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017.

Tin mới lên