Bất động sản

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương báo cáo dự án đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao

(VNF) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ra "tối hậu thư” yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam để trình Quốc hội, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2155/VPCP-CN ngày 8/3/2018 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương báo cáo dự án đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo dự án đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thực hiện các quy trình, thủ tục thẩm định, thẩm tra và kinh phí liên quan đến Dự án theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và trình các cơ quan có thẩm quyền về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Được biết, trong đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 1/2018, Bộ GTVT đã xây dựng lộ trình mới cho việc nghiên cứu hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải sẽ thực hiện các báo cáo chuyên đề về sự cần thiết phải đầu tư; lựa chọn công nghệ, tốc độ và tiêu chuẩn kỹ thuật; phương án tổ chức chạy tàu; tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong khoảng từ tháng 1/2018 – tháng 10/2018.

Nếu các hạng mục này bám sát kế hoạch đề ra, Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương) kết quả nghiên cứu hoàn thiện chủ trương đầu tư trong khoảng từ tháng 11/2018 - 4/2019.

Lộ trình được đánh giá là khởi đầu cho quá trình triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao chạy dọc Việt Nam này sẽ được hoàn tất sau khi Chính phủ xem xét, trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp tháng 5/2019.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 214/QĐ-TTg ngày 10/2/2015) và điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015).

Theo đó, dự kiến lộ trình phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với các giai đoạn như sau:

Đến năm 2020, nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh như các đoạn Hà Nội - Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang.

Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h), đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.

Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h.

Dự án chuẩn bị đầu tư xây dựng và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được Bộ GTVT phê duyệt vào cuối năm 2016, với tổng mức đầu tư 14,7 tỷ đồng có mục tiêu tập hợp, rà soát các kết quả nghiên cứu trước đây nhằm xây dựng phương án xây dựng mới về đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Vào tháng 5/2010, Chính phủ đã trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM có chiều dài 1.570 km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 56 tỷ USD. Tuy nhiên, thời điểm đó, Quốc hội yêu cầu nghiên cứu kỹ hơn để khẳng định sự hiệu quả và tính khả thi của Dự án.

Xem thêm:  Lãnh đạo đường sắt nói gì sau loạt tai nạn xảy ra trong 4 ngày?

Tin mới lên