Bất động sản

Phó tổng giám đốc BOT Cần Thơ gây ‘bão’ vì không chịu kí hợp đồng thu phí tự động

(VNF) – Bà Từ Thị Bích Nguyệt, Phó tổng giám đốc BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp đang gây xôn xao dư luận vì màn đối đáp "gay gắt" với lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xung quanh vấn đề lắp đặt và vận hành hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC).

Phó tổng giám đốc BOT Cần Thơ gây ‘bão’ vì không chịu kí hợp đồng thu phí tự động

Bà Từ Thị Bích Nguyệt - Phó tổng giám đốc BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp

Ngày 11/9, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức buổi làm việc với 3 nhà đầu tư BOT nhằm thỏa thuận những điều khoản còn vướng mắc giữa các bên nhằm đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống ETC.

Tại buổi đàm phán, đại diện các nhà đầu tư BOT đã đưa ra những lý lẽ khiến họ chưa lắp đặt hệ thống thu phí tự động. Đặc biệt, nữ Phó tổng giám đốc BOT Cần Thơ- Phụng Hiệp - Từ Thị Bích Nguyệt đã có những phát ngôn gây "bão" khi lý giải việc chưa lắp đặt thu phí tự động.

"Nói nhà đầu tư tại sao lại chậm kí hợp đồng, bởi vì còn có căn nguyên của nó. Xây dựng xong rồi, kinh doanh khai thác là một giai đoạn thứ 2 của hợp đồng này. Đến giai đoạn thứ 2, hợp đồng ban đầu kí làm gì có không dừng đâu ạ! Mà chỉ là khuyến khích thôi. Tất cả các dự án BOT bây giờ đến giai đoạn kinh doanh, khai thác lại chuyển cho một nhà đầu tư khác cũng là một doanh nghiệp không phải cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì làm sao nói được minh bạch hơn".

Đáp lại những lý lẽ của bà Nguyệt, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh:

"Bộ phận kết nối giá dân này là của quan nhà nước chứ không phải VETC (Công ty TNHH Thu phí tự động VETC). Mà Chính phủ bỏ ra 1.500 tỷ đồng để giám sát việc thu phí không dừng. Em chưa hiểu gì về loại thu phí tự động này".

Còn 4 trạm thu phí chưa kết nối ETC

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về tình hình triển khai hệ thống ETC, tính đến ngày 31/8/2017, có 29 trạm thu phí nằm trong danh mục đàm phán kí hợp đồng cung cấp dịch vụ ETC (gồm 27 trạm trong diện đàm phán và 2 trạm chưa xây dựng).

Trong 27 trạm trong diện đàm phán để kí hợp đồng, có 23 trạm đã kí gồm: Trạm Quảng Đông, trạm Km1813+650 Quốc lộ 14- Toàn Mỹ 14, trạm Bắc Hải Vân, trạm Mỹ Lộc, trạm Tân Đệ, trạm Tiên Cựu, trạm Tam Kỳ, trạm Phú Bài, trạm Hòa Phước, trạm Tư Nghĩa, trạm Bến Thủy 1, Bến Thủy 2, trạm Hoàng Mai, trạm Bắc Ninh, trạm Đức Long Gia Lai 1, Đức Long Gia Lai 2, trạm Cầu Đồng Nai, trạm Bắc Bình Định, Nam Bình Định, trạm Sóc Trăng, trạm Bạc Liêu, trạm Bình Thuận, trạm Cai Lậy Tiền Giang.

Có 4 trạm chưa thống nhất được một số nội dung hợp đồng gồm: trạm Quán Hàu, trạm Đông Hà, trạm Cam Thịnh và trạm Cần Thơ.

Đã có 23 trạm thu phí kí hợp đồng lắp đặt vận hành ETC

Về tình hình triển khai các trạm thuộc dự án (thu phí tự động không dừng – PV), Tổng cục Đường bộ cho biết, ngày 31/8, đơn vị này đã tổ chức cuộc họp với Ban Quản lý dự án 2 VETC, các nhà thầu của Công ty VETC cùng các nhà đầu tư BOT có liên quan để thống nhất lắp đặt hoàn chỉnh 12/23 trạm đã kí hợp đồng trước 30/9/2017, vận hành thương mại trước 15/10/2017.

Còn với 6 trạm còn lại chưa kí hợp đồng, VETC phối hợp với Tổng cục Đường bộ tiếp tục thương thảo để ký dứt điểm hợp đồng với chủ đầu tư của 4 trạm: Quán Hàu, Đông Hà, Cam Thịnh và Cần Thơ (riêng 2 trạm Bắc Giang, Lạng Sơn sẽ triển khai khi nhà đầu tư BOT xây dựng trạm). Đồng thời bắt buộc thực hiện kết nối hệ thống ETC do nhà đầu tư BOT lắp đặt với hệ thống thu phí không dừng của VETC trước ngày 30/7/2017.

Tổng cục Đường bộ cũng đã thành lập Tổ kiểm tra công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng các hạng mục thuộc dự án (Quyết định số 2561/QĐ-TCĐBVN ngày 28/7/2017); ban hành Đề cương kiểm tra công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng các hạng mục công trình thuộc dự án (Quyết định 2802/QĐ-TCĐBVN ngày 18/8/2017); sau khi có báo cáo hoàn thành hạng mục công trình của nhà đầu tư BOT và Ban Quản lý dự án 2, Tổng cục sẽ thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Đối với các trạm không thuộc dự án, Tổng cục Đường bộ cho biết đã làm việc với VEC (Tổng công ty Đầu tư và Phát triển cao tốc Việt Nam), Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, Công ty Cadpro và Công ty VETC để triển khai hệ thống ETC trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình; yêu cầu lắp đặt hoàn chỉnh trước 30/9/2017 và vận hành thương mại trước 15/10/2017.

Tổng cục Đường bộ đã có văn bản 5006/TCĐBVN-KHCN,MT&HTOT ngày 16/8/2017 đề nghị cho phép triển khai hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5 do Vidifi quản lý.

Trạm thu phí không kết nối ETC trước 30/10 sẽ bị tạm dừng hoạt động

Tổng cục Đường bộ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có phương án giải quyết đối với các trạm tự lắp đặt thiết bị ETC. Bên cạnh đó, Công ty VETC và Tổng cục tiếp tục đàm phán kí hợp đồng đối với các nhà đầu tư BOT gồm: Công ty Cổ phần tập đoàn Trường Thịnh, Công ty Cổ phần Xây dựng 194, Liên danh Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn, Công ty Cổ phần Thương mại và Tư vấn đầu tư xây dựng. Đây là chủ đầu tư của 4 trạm chưa kí hợp đồng ETC đã nêu ở trên.

"Trong trường hợp các chủ đầu tư không triển khai được hệ thống ETC trước 30/10/2017, đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép tạm dừng thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các trạm này".

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng kiến nghị bổ sung các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ của Công ty BOT, Cầu Giẽ - Ninh Bình của VEC, Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5 của Vidifi vào dự án thu phí tự động không dừng của Công ty VETC.

Tin mới lên