Tiêu điểm

'PVC đã thu hồi nhiều hơn số tiền sử dụng sai mục đích'

(VNF) – Theo cáo trạng, Trịnh Xuân Thanh và thuộc cấp đã sử dụng 1.115 tỷ đồng từ khoản tạm ứng của PVN để chi vào các mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến tháng 9/2016, PVC đã thu hồi được tới 1.240 tỷ đồng, nhiều hơn 125 tỷ đồng so với số tiền sử dụng sai mục đích.

'PVC đã thu hồi nhiều hơn số tiền sử dụng sai mục đích'

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT PVC

Sáng nay (11/1), phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo trong vụ án "Cố ý làm trái truy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản" xảy ra ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bước vào ngày làm việc thứ tư.

Điểm đáng chú ý của phiên xử là thông tin về việc PVC chi sai mục đích khoản tiền tạm ứng từ PVN.

PVC đã sử dụng 1.115 tỷ đồng sai mục đích như thế nào?

Theo cáo trạng, ngay sau khi được PVN chỉ định thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo xin tạm ứng từ PVN.

Sau khi được PVN, Ban Quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng theo Hợp đồng EPC số 33, PVC sử dụng 1.115 tỷ đồng để đầu tư, góp vốn vào các công ty, dự án, công trình khác và trả nợ ngân hàng.

Cụ thể, PVC sử dụng 196 tỷ đồng để thanh toán cho các nhà thầu phụ thi công một số hạng mục của dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; thanh toán trả nợ 4 ngân hàng với số tiền hơn 760 tỷ đồng.

Ngoài ra, PVC còn sử dụng 110 tỷ đồng để đầu tư, góp vốn vào Công ty Cổ phần Xây lắp Nghệ An (PVNC), Công ty Cổ phần phát triển Đầu tư đô thị Dầu khí (PVC-MeKong), Công ty Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land) và đầu tư vào các dự án khác.

Ngày 7/9/2011, đoàn kiểm tra của PVC phát hiện tiền tạm ứng bị sử dụng sai mục đích và báo cáo nhưng lãnh đạo PVN không có ý kiến thu hồi.

Theo cáo trạng, ngày 24/2/2012, Trịnh Xuân Thanh xác nhận PVC sử dụng tiền sai mục đích là 1.115 tỷ đồng. Đến ngày 22/11/2017, nhà chức trách mới thu hồi được 1.087 tỷ đồng.

Cáo trạng kết luận thiệt hại do việc PVN và Ban Quản lý dự án tạm ứng cho PVC số tiền 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng gây ra cho PVN là số tiền lãi tối thiểu trên số tiền không sử dụng vào mục đích dự án là 51 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng còn tính thiệt hại trực tiếp do việc PVC sử dụng sai mục đích số tiền 1.115 đồng gây ra đối với PVN là số tiền lãi suất được xác định phát sinh từ ngày 11/10/2011 (ngày đủ điều kiện để tạm ứng tiền cho PVC) cho đến ngày 20/3/2012 (ngày PVN chính thức đòi tiền tạm ứng sử dụng sai mục đích) là 68 tỷ đồng. 

Cộng hai khoản này, cơ quan điều tra xác định hành vi cố ý làm trái của ông Đinh La Thăng và các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng.

Thu hồi nhiều hơn số tiền sử dụng sai mục đích

Mặc dù cáo trạng xác định đến ngày 22/11/2017, nhà chức trách mới thu hồi được 1.087 tỷ đồng/1.115 tỷ đồng thiệt hại, tuy nhiên khi luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho ông Đinh La Thăng) hỏi đại diện PVC về tổng số tiền thu hồi tạm ứng tới ngày 10/1/2018 thì vị này cho biết: tính đến ngày 13/9/2016, PVC đã thu hồi được 1.240 tỷ đồng, tức lớn hơn số tiền chi sai mục đích tới 125 tỷ đồng.

Theo vị đại diện của PVC, nếu tính đến cuối năm 2017, số tiền thu hồi còn chắc lớn hơn. Tiền thu từ ba nguồn: tăng vốn điều lệ (317 tỷ đồng); thu hồi thoái vốn từ các dự án khác; chi phí quản lý phục vụ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (409 tỷ đồng).

Tin mới lên