Tài chính quốc tế

PyeongChang 2018: Kỳ Olympic áp dụng công nghệ hiện đại nhất trong lịch sử

(VNF) – Lễ bế mạc của Olympic mùa đông PyeongChang 2018 sẽ được tổ chức tại tỉnh Gangwon vào ngày 25/2. Kỳ thế vận hội này không chỉ hấp dẫn những người yêu thể thao trên thế giới mà còn đem tới những trải nghiệm công nghệ hiện đại nhất chưa từng có trong các kỳ thế vận hội trước đây.

PyeongChang 2018: Kỳ Olympic áp dụng công nghệ hiện đại nhất trong lịch sử

Robot mang tên DRC Hubo đã rước ngọn đuốc Olympic trên một quãng đường dài 200 m.

Olympic mùa đông PyeongChang 2018 là kỳ thế vận hội đầu tiên sử dụng công nghệ 5G do nhà cung cấp dịch vụ di động số 2 Hàn Quốc, Tập đoàn Viễn thông KT đảm nhận.

Mạng 5G được phủ sóng từ sân bay cho đến trung tâm báo chí, các địa điểm thi đấu của thế vận hội. Công nghệ này còn mang tới nhiều trải nghiệm thú vị cho khán giả và ngay cả các vận động viên như chụp ảnh 3 chiều hay trải nghiệm thực tế ảo.

Olympic mùa đông PyeongChang 2018 là dịp để các tập đoàn công nghệ Hàn Quốc phô diễn những công nghệ tân tiến nhất.

Thêm vào đó, đây cũng là kỳ Olympic đầu tiên có một chú robot tham gia rước đuốc. Vào ngày 11/12/2017, robot mang tên DRC Hubo của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ cao cấp Hàn Quốc (KAIST) đã rước ngọn đuốc Olympic trên một quãng đường dài 200m.

Trong các cuộc thi đấu môn trượt tuyết bay và trượt tuyết lòng máng, các camera siêu nhỏ được gắn vào người của các vận động viên và phát sóng trực tiếp qua dịch vụ ‘Sync View (xem đồng bộ)’ truyền tải theo thời gian thực, và khán giả sẽ có thể cảm nhận được sự sảng khoái hồi hộp cùng các vận động viên.

Mạng 5G được phủ sóng từ sân bay cho đến trung tâm báo chí, các địa điểm thi đấu của thế vận hội.

Dịch vụ ‘Point view’ giúp truyền tải hình ảnh có dung lượng lớn bằng 5G và cho phép khán giả có thể lựa chọn xem hình ảnh của một địa điểm hay vận động viên đặc biệt nào đó trong môn thi đấu có nhiều vận động viên cùng tham gia.

Ngoài ứng dụng truyền hình trực tiếp, dịch vụ thông tin 5G còn được tích hợp trong xe buýt tự hành không người lái chạy trong khu vực thủ đô và Pyeongchang.

Màn hình mờ được gắn vào trong xe buýt cỡ lớn 45 chỗ ngồi đã được cải tiến, qua đó khách tham quan có thể thấy được hình ảnh của các cuộc thi đấu với độ phân giải cao cũng như tốc độ xe chạy và vị trí hiện tại thông qua công nghệ trình chiếu hình ảnh 3D phát sóng trực tiếp (hologram live).

Du khách tới Olympic mùa đông PyeongChang 2018 có được những trải ngiệm chân thực nhất nhờ công nghệ.

Khán giả có thể xem các trận thi đấu chính cũng như lễ khai mạc và bế mạc tại Olympic Mùa đông PyeongChang bằng 4K UHD sống động và sắc nét hơn gấp 4 lần so với chuẩn Full HD hiện hành.

Tại Trung tâm trải nghiệm ICT Pyeongchang và Sân bay quốc tế Incheon, khán giả có thể thưởng thức được video quảng bá Olympic, các trận thi đấu thể thao, K-POP qua màn hình cong siêu lớn có chiều dài 15m được gọi là UWV (Ultra Wide Vision –Tầm nhìn siêu rộng) một cách sống động nhờ công nghệ giúp tối đa hóa cảm giác như có mặt tại hiện trường.

Những chú robot xuất hiện khắp nơi giúp đem lại sự tiện nghi cho khách tham quan.

Các đoàn vận động viên và du khách đến Hàn Quốc có thể trải nghiệm tất cả các khâu từ nhập cảnh, xuất cảnh, xem thi đấu và tham quan bằng dịch vụ ‘IoT tối ưu hóa cho từng cá nhân’.

Với dịch vụ hướng dẫn đường AR (thực tế ảo) bằng điện thoại thông minh có tích hợp tiếng nước ngoài được bố trí từ sân bay đến các sân thi đấu, ngay cả những du khách nước ngoài còn xa lạ với Hàn Quốc cũng có thể tự đến nơi một cách an toàn.

Tại sân thi đấu, chỉ cần nhập số ghế ghi trên vé vào ứng dụng trên điện thoại thông minh là khán giả có thể đến chỗ ngồi một cách chính xác theo hướng mũi tên màu xanh chỉ trên màn hình

Khán giả sẽ được xem những màn thi đấu của các vận động viên một cách chân thực nhất.

Vòng đeo tay thông minh có khả năng nhận diện tình huống và vị trí không chỉ cung cấp cho du khách các thông tin cơ bản như thời gian thi đấu, thời tiết mà còn có thể được dùng để thanh toán chi phí tại nơi nghỉ trọ, xe bán đồ ăn, thiết bị đầu cuối trên xe buýt giống như một chiếc ví điện tử.

Thế vận hội lần này còn áp dụng các công nghệ như IoT và dữ liệu lớn (Big Data), cung cấp cả dịch vụ ‘IoT nâng cao khả năng thi đấu thể thao’ nhằm tăng cường khả năng thi đấu của các vận động viên.

Dịch vụ này giúp nắm bắt được trạng thái sức khỏe của các vận động viên bằng máy đo mạch đập và sóng não, từ đó đưa ra chương trình quản lý sức khỏe phù hợp và giám sát cả dữ liệu tập luyện.

Chỉ cần nhập số ghế ghi trên vé vào ứng dụng trên điện thoại là khán giả có thể đến chỗ ngồi một cách chính xác.

Ứng dụng di động chính thức của Olympic PyeongChang ‘GenieTalk’ sẽ mang lại cho du khách dịch vụ biên phiên dịch 9 thứ tiếng (tiếng Hàn, Anh, Trung, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Nga, Ả Rập) qua các hình thức như nhận diện âm thanh, biên dịch văn bản nhập vào, biên dịch văn bản trong hình ảnh.

Du khách cũng có thể bắt gặp ‘Tổng đài AI’ nơi AI giúp trả lời các cuộc điện thoại với hai thứ tiếng là tiếng Hàn và tiếng Anh.

Công nghệ 5G cung cấp tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn gấp nhiều lần so với công nghệ 4G.

Ngoài ra, tại Olympic PyeongChang còn có 85 robot thuộc 11 chủng loại khác nhau giúp đem lại sự tiện nghi cho khách tham quan tại các sân thi đấu, trung tâm báo chí, làng tuyển thủ Pyeongchang và sân bay.

Bên trong sân thi đấu bộ môn trượt băng nghệ thuật có lắp đặt hơn 100 chiếc camera, giúp phát sóng trực tiếp bằng thực tế ảo (VR) 360 độ theo thời gian thực.

Phương thức này cải thiện kiểu cố định hiện hành gây hạn chế cho việc phát sóng trực tiếp bằng công nghệ thực tế ảo (VR), mang lại cảm nhận theo thời gian thực ở cả bốn phía (trên, dưới, trái, phải), khiến khán giả có thể thấy được hình ảnh các vận động viên bay trong không trung, từng biểu cảm khi lướt nhanh trên băng tuyết dưới nhiều góc độ khác nhau.

5G là thế hệ thứ năm của mạng di động hiện nay, với nền tảng được thừa hưởng và phát triển từ mạng 4G. Mạng 5G sẽ hỗ trợ LAS-CDMA (Large Area Synchronized Code Division Multiple Access), UWB (Ultra Wideband), Network-LMDS (Local Multipoint Distribution Service), Ipv6 và BDMA (Beam Division Multiple Access).

Với sự hỗ trợ đa dạng các nền tảng, người dùng có thể kết nối cùng lúc với nhiều thiết bị qua mạng không dây và dễ dàng chuyển đổi qua lại một cách nhanh chóng mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào. Các thiết bị này có thể sử dụng các mạng di động khác nhau như 2,5G, 3G, 4G hoặc 5G, Wi-Fi, WPAN hoặc bất kỳ công nghệ truy cập nào khác xuất hiện trong tương lai.

Công nghệ 5G lần đầu tiên được đưa vào sử dụng tại Olympic PyeongChang cung cấp tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn gấp nhiều lần so với công nghệ 4G hiện tại đến mức có thể tải một bộ phim dung lượng 1GB trong vòng 10 giây và có thể cùng lúc xử lý nhanh chóng một lượng dữ liệu lớn.

>> Tiếp đón em gái Kim Jong-un, Hàn Quốc ‘ngốn’ hơn 223.000 USD trong 3 ngày

Tin mới lên