Bất động sản

Quảng Ninh chọn Arcadis & Callison RTKL lập quy hoạch đặc khu Vân Đồn

(VNF) - Công ty Arcadis & Callison RTKL đã được tỉnh Quảng Ninh lựa chọn làm đơn vị tư vấn lập quy hoạch.

Quảng Ninh chọn Arcadis & Callison RTKL lập quy hoạch đặc khu Vân Đồn

Phối cảnh Khu phức hợp có casino tại Vân Đồn, Quảng Ninh.

Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn, cơ quan này đã chuẩn bị cơ bản các văn bản cơ sở pháp lý, thành lập hội đồng và thống nhất lựa chọn đơn vị tư vấn là Công ty Arcadis & Callison RTKL.

Bản quy hoạch này sẽ được lập trên cơ sở tương thích với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh do các đơn vị tư vấn nước ngoài đã lập trước đó.

Trong quá trình lập quy hoạch cho Vân Đồn, Arcadis & Callison RTKL cần đảm bảo quy hoạch có tính tương thích cao với quy hoạch chung đồng thời đảm bảo các yêu cầu của đặc khu kinh tế.

Tỉnh Quảng Ninh sẽ thành lập Tổ công tác hỗ trợ cùng làm việc với Arcadis & Callison RTKL, trợ giúp đơn vị trong việc nắm bắt thực trạng, đánh giá tình hình thực tiễn cụ thể trong điều kiện của Việt Nam, khu vực và tỉnh Quảng Ninh. Sản phẩm sẽ được xác nhận theo từng giai đoạn để đảm bảo chất lượng, tiến độ tốt nhất.

Các quy hoạch về Vân Đồn này được tài trợ bởi Tập đoàn Sun Group (nhà đầu tư chiến lược của Quảng Ninh). Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, quy hoạch phải tạo nền tảng tốt để các nhà đầu tư khác cũng đều có cơ hội đến để cùng chia sẻ và phát triển.

Vân Đồn sẽ định hướng trở thành Khu hành chính - kinh tế mới, phù hợp với thực tiễn, không phải mô hình đặc khu cũ của những năm 1970- 1980, trong đó, đón bắt được những yêu cầu phát triển cả về thương mại tự do, dịch vụ hiện đại và đặc biệt là một thành phố biển đảo xanh, sạch, đẹp, sinh thái và có khả năng chống lại những biến đổi khí hậu mang tính cực đoạn, trở thành một cực điển hình về chống biến đổi khí hậu của khu vực.

Theo Ban soạn thảo Luật đơn vị Hành chính – kinh tế đặc biệt, Vân Đồn có vị trí gần với các thị trường có mức độ tăng trưởng lớn không chỉ riêng Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long mà còn cả khu vực ASEAN và một số nước châu Á.

Trong bán kính bay 4 – 5 giờ sẽ cho phép Vân Đồn tiếp cận thị trường với 3,5 tỷ người, trong đó 17% là từ các nước ASEAN, tương đương với GDP là 22 tỷ USD.

Đồng thời, trong bán kính lái xe ô tô từ 4 – 5 giờ, Vân Đồn tiếp cận một thị trường 23 triệu người, trong đó 23% là từ Trung Quốc và 77% còn lại đến từ Việt Nam, tương ứng với GDP 62 tỷ USD.

Như VietnamFinance đã đề cập, từ năm 2015 đến nay, Vân Đồn đã thu hút được tổng lượng vốn đầu tư khoảng 51.000 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư chiến lược của tỉnh là Sun Group đang tập trung xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD, dự kiến sẽ đi vào khai thác thương mại giữa năm 2018.

Bên cạnh đó, Sun Group còn đầu tư thêm dự án Khu du lịch phức hợp cao cấp có casino với vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD.

Ngoài Sun Group, trong năm 2018, Vân Đồn sẽ đón nhận một loạt dự án quy mô lớn với tổng số vốn lên tới 2,7 tỷ USD từ các chủ đầu tư danh tiếng.

Có thể kể đến như C.E.O Group với Tổ hợp du lịch Sonasea Dragon Bay (gồm 5 phân khu chức năng có các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo); Viglecera với Dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Villas có tổng vốn đầu tư trên 1.120 tỷ đồng.

Tập đoàn FLC cũng góp mặt với Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng (tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng), còn MB Land rót 3.500 tỷ đồng để đầu tư Dự án Khu vực cảng và đô thị phía Bắc đảo Cái Bầu.

Công ty TNHH một thành viên Mai Quyền cũng ghi dấu ấn với Dự án Tổ hợp du lịch và con đường di sản tại Vân Đồn. Dự án gồm 9 phân khu chức năng với vốn đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng.

Tin mới lên