Tiêu điểm

Quảng Ninh: sáng kiến cải cách riêng có để thu hút đầu tư

(VNF) - Những bước đột phá nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, thu hút nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực đã đưa Quảng Ninh trở thành điểm sáng trong cả nước về cải cách.

Quảng Ninh: sáng kiến cải cách riêng có để thu hút đầu tư

Quảng Ninh: sáng kiến cải cách riêng có để thu hút đầu tư

Cách đây vài năm Quảng Ninh còn đứng vị trí thứ 20 trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tuy nhiên, đến năm 2016 Quảng Ninh đã vươn lên, chỉ đứng sau Đà Nẵng - thành phố đã 7 lần đứng đầu toàn quốc, trong đó có 4 lần liên tiếp. Đồng thời, vượt qua á quân 2015 là Đồng Tháp.

Theo bảng xếp hạng PCI 2016, Quảng Ninh đã đạt số điểm 65,60, trong đó có các chỉ số tăng điểm gồm: gia nhập thị trường; chi phí không chính thức; chỉ số cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền tỉnh; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Nỗ lực cải cách

Với mục tiêu trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Quảng Ninh đã luôn chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, đem đến nhiều niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Năm 2012, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) tỉnh Quảng Ninh ra đời. Đây là cơ quan chuyên trách đầu tiên trên cả nước trực thuộc tỉnh để làm công tác xúc tiến và hỗ trợ các nhà đầu tư. Mô hình mới, chưa từng có ở Việt Nam của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đã khẳng định mạnh mẽ quyết tâm đổi mới, tiên phong, sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh.

Sau 5 năm hoạt động, IPA Quảng Ninh đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển với những dấu ấn đặc biệt: Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2012-2016) đạt 9,2% (cao hơn bình quân cả nước); thu ngân sách liên tục đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước; thu hút đầu tư FDI giai đoạn (2012-2016) đạt gần 3,6 tỷ USD (chiếm 60% trong vòng 30 năm đổi mới); đầu tư trong và ngoài nước tăng đáng kể với nhiều dự án lớn có tính động lực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ như đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, cảng hàng không Vân Đồn, công viên Đại Dương, trường quốc tế KinderWorld, bệnh viện Vinmec, KCN Hải Hà, KCN Sông Khoai, KCN Đầm Nhà Mạc… Các nhà đầu tư lớn của Việt Nam cũng đều đã có mặt tại Quảng Ninh như Tập đoàn Vingroup, Sun Group, FLC...

Trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, IPA Quảng Ninh đã chủ động quan hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương và các tổ chức quốc tế (VCCI, CIEM, JETRO, KOTRA, VietSurvey...), tranh thủ ý kiến của các chuyên gia nhằm tham mưu cho tỉnh những giải pháp có tính đổi mới, sáng tạo và thiết thực. 

Đặc biệt, sáng kiến về triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) do IPA tham mưu đề xuất, đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Sáng kiến riêng có

Những thành quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thành, có sự đóng góp không nhỏ của sáng kiến xây dựng và triển khai bộ chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) trên cơ sở trưng cầu ý kiến doanh nghiệp.

Thông kết quả khảo sát và trưng cầu ý kiến của doanh nghiệp, bộ chỉ số DDCI giúp các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh ở Quảng Ninh, thể hiện quan điểm cởi mở và thái độ lắng nghe, cầu thị của cả hệ thống chính trị nói chung, và các sở, ngành, địa phương nói riêng. 

Năng lực điều hành kinh tế của 35 đơn vị gồm 14/14 địa phương và 21 sở, ngành trên địa bàn tỉnh được 1.500 doanh nghiệp cân đo, bình xét theo các tiêu chí trong lá phiếu và được ban tổ chức công bố công khai.

Theo kết quả công bố chỉ số DDCI Quảng Ninh năm nay, có 5 địa phương lần lượt đứng đầu trong bảng xếp hạng DDCI Quảng Ninh năm 2017 là TX. Cẩm Phả, TX. Quảng Yên, TP. Móng Cái, TP. Uông Bí và TP. Hạ Long. Riêng chỉ số thành phần trách nhiệm người đứng đầu thuộc về ba địa phương gồm TP. Móng Cái, TP. Hạ Long và huyện Ba Chẽ.

Về khối sở, ngành lần lượt là Cục Hải quan Quảng Ninh, Sở Kế hoạch và đầu tư, Cục Thuế, Sở Giáo dục và đào tạo, Ban Quản lý khu kinh tế được cộng đồng doanh nghiệp bình xếp trong top đầu, trong đó chỉ số thành phần trách nhiệm người đứng đầu là lãnh đạo của ba đơn vị Cục Hải quan, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và môi trường.

Bảng xếp hạng DDCI năm nay được đưa ra dựa trên 8 trụ cột chính, gồm: tính minh bạch, tính năng động của hệ thống chính quyền, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp, trách nhiệm người đứng đầu.

Đặc biệt, sáng kiến lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp qua các kênh trực tuyến và mạng xã hội (gọi tắt là SNA) với sự tham gia thí điểm của 18 đơn vị sở ngành và địa phương tỉnh Quảng Ninh là đột phá quan trọng về tư duy, công nghệ và tác phong công vụ của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2017. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước sử dụng bộ công cụ mạng xã hội để tiếp nhận ý kiến đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh.

Fanpage DDCI QUẢNG NINH trên mạng xã hội Facebook mới khởi động từ ngày 22/8/2017, nhưng đã nhận được rất nhiều phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp. Lượng thông tin về các thủ tục, cũng như chính sách mới liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp đã được chia sẻ rất nhiều trên fanpage này.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Nhật, trưởng nhóm tư vấn DDCI Quảng Ninh đã nhấn mạnh một con số đáng chú ý. Trong 6 tháng cuối năm 2017, đã có 12.000 tin tức thu thập được qua trang fanpage DDCI Quảng Ninh trên Facebook và một số kênh khác với tỷ lệ ủng hộ là 34%. Đây là tỷ lệ vượt trội so với tỷ lệ ý kiến đánh giá tiêu cực là trên 16%. Theo ông Nhật, với mức độ tương tác qua mạng xã hội ngày càng tăng, nhiều bài viết của các sở, ban, ngành hay địa phương đã nhận được trên 2.000 lượt quan tâm và hàng trăm tương tác.

"Ta vẫn hay nghe nói trên nóng dưới lạnh, nhưng khi mở trang tương tác với người dân, doanh nghiệp thì chắc chắn không lạnh được, cuộc sống đòi hỏi thì anh phải phản ứng", Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung bình luận. Ông Cung cho rằng, việc mở ra một công cụ buộc cán bộ, công chức phải làm việc nhiều hơn, chính là sự táo bạo của Quảng Ninh.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc cũng đánh giá SNA là sáng tạo riêng có của Quảng Ninh, đưa chính quyền đến gần với doanh nghiệp hơn. Ông Lộc đánh giá cao sự dũng cảm của các địa phương, sở, ban, ngành trong việc tự giác "soi" mình trước người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Công tác làm hài lòng người dân và doanh nghiệp vẫn còn nhiều dư địa, còn rất nhiều việc phải làm.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Quảng Ninh Phạm Văn Thể khẳng định bộ chỉ số DDCI không những sẽ tạo nên sự công khai minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương, cơ sở mà còn góp phần quan trọng để doanh nghiệp nhận thấy rõ hơn vai trò tầm quan trọng của mình trong công cuộc cải cách hành chính, từ đó củng cố niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực trong đầu tư, phát triển.

Tin mới lên