Tiêu điểm

Quảng Ninh sẽ thông qua đề án về Đặc khu kinh tế Vân Đồn

(VNF) - Thêm một diễn biến chính sách quan trọng liên quan đến Đặc khu kinh tế Vân Đồn, nơi đã thu hút được hơn 36 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư.

Quảng Ninh sẽ thông qua đề án về Đặc khu kinh tế Vân Đồn

Ngày 27/10 tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Khóa XIII đã khai mạc Kỳ họp thứ 6. Kỳ họp được tổ chức với 4 nội dung trọng tâm; trong đó có việc thông qua Đề án đề nghị thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và bàn thảo, quyết nghị một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Theo Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc, sau khi Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 108-TB/TW ngày 01/10/2012 về Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, cũng như thí điểm xây dựng 2 đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương xây dựng Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ và đang từng bước triển khai.

Trên cơ sở Thông báo Kết luận số 21-TB/TW ngày 23/3/2017 của Bộ Chính trị về các Đề án xây dựng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), tỉnh Quảng Ninh đã tích cực hoàn thiện Đề án và tham gia xây dựng Dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt để Chính phủ trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội.

Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn xác định các ngành nghề trọng tâm theo các lĩnh vực (du lịch- dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp) và được phân lớp theo từng giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 (2018-2022) tập trung vào các lĩnh vực: du lịch giải trí có casino, dịch vụ cảng biển, hàng không; thương mại, trung tâm mua sắm quốc tế; công nghệ sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp. Giai đoạn 2 (2023- 2026) bao gồm: công viên chuyên đề; ngư nghiệp, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần; giáo dục và đào tạo; dịch vụ tài chính; y tế, chăm sóc sức khoẻ.... Giai đoạn 3 (2027- 2030) sẽ hướng tới lĩnh vực: công nghệ sinh học, công nghệ xanh, nông nghiệp công nghệ cao.

Vẫn theo ông Đọc, việc hình thành Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn là "nội dung rất lớn của Trung ương cũng như của tỉnh". Quảng Ninh là một trong ba tỉnh (cùng với tỉnh Khánh Hòa, Kiên Giang) được Trung ương cho phép nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt (theo Thông báo kết luận số 21-TB/TW của Bộ Chính trị ngày 22/3/2017.

Tại cuộc làm việc giữa Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo Ban, Bộ, ngành trung ương và tỉnh Quảng Ninh về phát triển kinh tế xã hội, đặc khu kinh tế Vân Đồn chiều 25/8/2017, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thành cho biết, Quảng Ninh đã thu hút được 36.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cho Vân Đồn trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đặc khu này, trong đó có nhiều dự án có tổng mức đầu tư từ 5.000 đến 7.000 tỷ đồng.

Tại kỳ họp đang diễn ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật đơn vi hành chính kinh tế đặc biệt, quyết định cơ chế, chính sách cho 3 đặc khu: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Tin mới lên