Tiêu điểm

Quốc hội ‘khen’ Samsung về xuất siêu, ‘chê’ VAMC xử lý nợ xấu chưa hiệu quả

(VNF) - Ủy ban Kinh tế Quốc hội đưa ra những nhận xét đáng chú ý về tình hình kinh tế Việt Nam 5 năm qua.

Quốc hội ‘khen’ Samsung về xuất siêu, ‘chê’ VAMC xử lý nợ xấu chưa hiệu quả

Chỉ riêng công ty Samsung Việt Nam đã đóng góp xuất siêu 21,5 tỷ USD

Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 do ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội trình bày sáng nay tại Hà Nội đã đưa ra khá nhiều thông tin thú vị về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay.

Theo báo cáo này, trong 5 năm qua quy mô và tiềm lực của đất nước được nâng lên, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát giảm từ 11,75% năm 2010 xuống còn 0,6% năm 2015, chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến tích cực: đóng góp của khoa học, công nghệ tăng, năng suất lao động tăng bình quân 4,2%/năm cao hơn giai đoạn trước. 

Các cân đối lớn dần được cải thiện, nhập siêu giai đoạn 2011-2015 chỉ còn khoảng 2% so với mức nhập siêu 17,4% giai đoạn 5 năm trước, trong đó có đóng góp đáng kể của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

"Chỉ riêng công ty Samsung Việt Nam đã đóng góp xuất siêu 21,5 tỷ USD", báo cáo cho biết. 

Bên cạnh đó, an sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người từ 1.168 USD năm 2010 lên 2.109 USD năm 2015. 

Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được. Có 10/26 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. 

Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 5,9% thấp hơn mức 7% của giai đoạn trước; năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng ở mức 29%, hệ số sử dụng vốn (ICOR) còn cao, năng suất lao động so với một số nước Đông Nam Á còn thấp.

Quá trình tái cơ cấu đang diễn ra, theo Ủy ban kinh tế, dù đã đạt một số kết quả bước đầu nhưng nhìn chung vẫn còn khiêm tốn.

Trong đó, tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước  việc triển khai và kết quả mang lại so với yêu cầu thì còn chậm, một số doanh nghiệp triển khai chưa quyết liệt, có nơi thể hiện trách nhiệm chưa cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao.

Một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn lớn chưa tạo chuyển biến về chất đối với quản trị doanh nghiệp. 

Trong khi đó, tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã có bước chuyển biến, cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống, nợ xấu ngân hàng giảm dần, đã sáp nhập một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hoạt động yếu kém. 

Tuy nhiên, xuất hiện một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn gặp khó khăn phải thay đổi chủ sở hữu, người quản lý từ cơ quan quản lý nhà nước. 

"Một số ý kiến cho rằng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa mang lại hiệu quả. Nhiều ý kiến nhận định dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn thì việc giảm nợ xấu khó bền vững, lãi suất cho vay còn cao so với diễn biến lạm phát", báo cáo cho hay. 

Tin mới lên