Tài chính quốc tế

Quan hệ Việt – Nhật và câu chuyện "đồng hội đồng thuyền"

(VNF) - Bước vào mùa thu này, bang giao Việt Nam - Nhật Bản lại chuyển tiếp lên một cấp độ mới là "đối tác chiến lược sâu rộng". Cấp độ đặc biệt này, một lần nữa được đánh dấu một cách đầy biểu tượng bằng chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (15-18/9/2015).

Quan hệ Việt – Nhật và câu chuyện "đồng hội đồng thuyền"

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây

Ngoại giao nguyên thủ

Tuyên bố về Tầm nhìn chung mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tập trung vào ba nhóm vấn đề lớn, bao gồm hơn 30 nội dung, với nhiều chất lượng trước đây chưa từng có. Trong buổi hội kiến Nhật Hoàng Akihito trưa ngày 16/9/2015, tại Hoàng cung Nhật Bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Nhật Hoàng Akihito đã cùng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng, thực chất và tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong những năm qua.

Nhật Hoàng Akihito khẳng định Hoàng gia Nhật Bản luôn dành sự ủng hộ mạnh mẽ đối với phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, mong nhân dân Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh.

Phía Nhật Bản đã hết sức hoan hỷ khi biết trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, hai nước Việt Nam - Nhật Bản khẳng định là đối tác quan trọng của nhau, có nhiều lợi ích tương đồng, sự phát triển của nước này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nước kia. Việt Nam cũng xem Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài; Nhật Bản coi trọng vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuyên bố về Tầm nhìn chung nêu rõ: "Xuất phát từ lợi ích của nhau, hai bên chia sẻ mong muốn kết nối hai nền kinh tế phát triển bền vững, lâu dài, với trọng tâm là kết nối chiến lược phát triển kinh tế, năng lực sản xuất và nguồn nhân lực trên nguyên tắc tương trợ lẫn nhau. Về kết nối năng lực sản xuất, hai bên nhất trí, tăng cường hợp tác phát triển, kết hợp chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, điện tử, thông tin và truyền thông…"

Có thể nói chưa bao giờ chính giới và công chúng Nhật lại lo ngại thật sự trước các hoạt động của Trung Quốc trong việc bồi đắp, đảo hóa và quân sự hóa các cấu trúc từng lấn chiếm phi pháp để thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông. Đây là tuyến giao thông hàng hải huyết mạch đối với toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản và hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật được vận chuyển qua Biển Đông.

Khi Trung Quốc cắm giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phê phán đích danh Trung Quốc trong việc đe dọa bằng vũ lực để thay đổi hiện trạng, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, không gây xung đột với các nước láng giềng.

Còn trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Việt Nam vừa qua, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai lực lượng.

Dư luận quốc tế và Nhật Bản theo dõi sát các chuyến thăm Trung Quốc tháng 4/2015, Hoa Kỳ tháng 7/2015 và Nhật Bản tháng 9/2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các chuyến công du này thể hiện rõ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, vì lợi ích của Việt Nam và Nhật Bản, đóng góp thiết thực cho hòa bình, phồn vinh ở châu Á và thế giới.

Phía Nhật Bản cũng đánh giá cao việc chỉ trong vòng hơn hai tháng mà cả Thủ tướng lẫn Tổng Bí thư Việt Nam đều sang Tokyo trong các khuôn khổ hợp tác đa phương lẫn song phương.

Có đi có lại

Trong khuôn khổ hội thảo "Bang giao Nhật-Việt: Giai đoạn kế tiếp" do Viện Quốc tế và Trường Đại học Takushoku (Tokyo) đồng tổ chức trong hai ngày 18-19/9/2015, Hiệu trưởng Đại học Takushoku Kawana Akio đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của thời điểm diễn ra "cuộc hẹn hò lịch sử Nhật Bản - Việt Nam". Ông Kawana Akio phân tích nguồn gốc chung của những căng thẳng nguy hiểm trên Biển Hoa Đông lẫn Biển Đông. Chủ đề chính hơn 300 đại biểu tham dự hội thảo đặt ra là làm thế nào để Nhật Bản và Việt Nam cùng với các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế có thể quản lý căng thẳng trên hai vùng biển đều có lợi ích cốt lõi đối với mỗi nước?

Qua phần hỏi đáp với các giáo sư, các nghị sỹ tham gia hội thảo, chúng tôi cảm nhận được sự gặp gỡ về lợi ích chiến lược giữa hai nước. Phía Nhật Bản đặc biệt nhấn mạnh việc lãnh đạo hai bên cam kết phối hợp chặt chẽ hướng tới hoàn tất tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực nông - công nghiệp hiện đại.

Việt Nam đã và đang chia sẻ với Nhật Bản nhiều tương đồng lịch sử và giờ đây là lúc Nhật Bản mong Việt Nam thông cảm và thấu hiểu việc Tokyo cần phải giải thích lại Điều 9 Hiến Pháp, giúp cho nước Nhật hội đủ các điều kiện cần thiết để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình, cũng như làm nghĩa vụ quốc tế. Nếu vì những lý do khách quan chưa ủng hộ được công khai thì bạn cũng mong Việt Nam có thái độ tích cực đối với vấn đề điều chỉnh Dự luật An ninh của Nhật Bản.

Giới học giả, đặc biệt là các đồng nghiệp từ Viện Quốc tế và Trường Đại học Takushoku rất quan tâm đến mô hình "P&DOWN", theo đó chú ý đến ba biện pháp tạo nên giải pháp tổng thể: lập hệ thống đối tác chiến lược (P), thúc đẩy dân chủ hóa trong nước (D) và thực hiện chính sách quân bình giữa các nước lớn của ngoại giao Việt Nam (W).

Điều tâm đắc là bạn hỏi sâu mối quan hệ tương sinh, tương hỗ giữa ba biện pháp này trong tương quan đấu tranh trên mặt trận pháp lý và truyền thông (O), cũng như sự kết nối (N) giữa Việt Nam với các khu vực tự do thương mại như TPP và RCEP. Đã có những đề xuất nên mở rộng mô hình này như là một cách tiếp cận của Minh triết Á đông để phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của cả Việt Nam lẫn Nhật Bản.

Rạng sáng hôm 18/9, với tương quan lực lượng giữa các đảng, Thủ tướng Abe biết rõ rằng bằng con đường bỏ phiếu, đảng cầm quyền sẽ nắm chắc phần thắng vì Liên minh cầm quyền chiếm đa số ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện. Tuy nhiên, ông Abe đã chọn cách biện giải và thuyết phục những người phản đối Dự luật từ hồi đầu năm nay cho đến những phút cuối cùng trước khi bỏ phiếu. Ngày 18/9 đã đi vào lịch sử với việc Quốc hội Nhật Bản, sau hơn 200 giờ thảo luận, đã thông qua Dự luật An ninh mới, cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài, lần đầu tiên từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc cách đây 70 năm.

Tin mới lên