Thị trường

Quy chế quản lý taxi đang mở đường cho thôn tính doanh nghiệp

(VNF) – Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng những quy định trong dự thảo "Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội" đang tạo ra những kẽ hở rất lớn cho hoạt động chiếm đoạt giá trị thương hiệu và thôn tính các doanh nghiệp taxi tại Hà Nội.

Quy chế quản lý taxi đang mở đường cho thôn tính doanh nghiệp

Một số quy định tại Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh taxi đang tạo kẽ hở cho chiếm đoạt giá trị thương hiệu và thâu tóm doanh nghiệp

Sở Giao thông vận tải bỗng hóa thành "bên giao thầu"

Hiệp hội vận tải Hà Nội vừa có công văn số 27/CV-HH gửi Bộ Tư pháp, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị về dự thảo "Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội" (gọi tắt là Dự thảo Quy chế). 

Theo đó, Hiệp hội khẳng định đã nhiều lần góp ý cho Dự thảo Quy chế, tuy nhiên, các ý kiến đều không được tiếp thu. Đến nay đã là lần dự thảo thứ 4 nhưng các vấn đề vẫn đang tồn tại, nếu đi vào thực tế sẽ gây ra rất nhiều khó khăn và rủi ro cho các đơn vị taxi.

Chẳng hạn như vấn đề đấu thầu và "quyền khai thác" phương tiện. Điều 5 và Điều 12 Dự thảo Quy chế quy định: các doanh nghiệp đang kinh doanh vận tải sẽ phải nộp hồ sơ dự thầu về Sở Giao thông vận tải để được tham gia đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố.

Mục 6 - Điều 2 và Mục 3 - Điều 8 đưa ra một khái niệm mà các doanh nghiệp taxi không thể hiểu được là "quyền khai thác": xe taxi sẽ được cung cấp quyền khai thác trong vòng 8 năm. Sau khi hết thời gian trên, doanh nghiệp sẽ phải thay thế phương tiện mới và phải đấu thầu để mua quyền khai thác cho phương tiện. Trường hợp thay xe trước thời hạn thì thời hạn kinh doanh của xe chỉ được tính bằng quyền khai thác còn lại của phương tiện trước đó.

Quy chế quản lý kinh doanh taxi đang mở đường cho thôn tính doanh nghiệp ảnh 1

Đấu thầu "quyền khai thác" là một khái niệm khiến các doanh nghiệp taxi "đau đầu"

Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, dưới góc độ chức năng của cơ quan quản lý nhà nước, quy định này đã sai về mặt bản chất chức năng của cơ quan quản lý và là kẽ hở nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.

Cụ thể, quy định này đã "hóa phép" cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội từ cơ quan quản lý trở thành "bên giao thầu", còn doanh nghiệp taxi bị biến thành "bên nhận thầu". Điều này là sai về bản chất chức năng, nhiệm vụ của Sở Giao thông vận tải theo quy định của Nghị định 86/2014 của Chính phủ, Thông tư 63/2014 của Bộ Giao thông vận tải và mục 1, Điều 18 của Dự thảo Quy chế này.

Không những thế, việc giao cho Sở Giao thông vận tải vừa là đơn vị quản lý vừa là "bên giao thầu" sẽ không đảm bảo khách quan trong việc đấu thầu, dễ nảy sinh tiêu cực. 

Trên thực tế, thành phố đã có chủ trương ngừng cấp phù hiệu taxi từ năm 2012, tuy nhiên đến tháng 6/2016, số phù hiệu taxi đã đạt mốc 19.141 chiếc (tăng thêm 1.741 chiếc so với năm 2012). Số phù hiệu gia tăng thêm này được cấp cho đơn vi nào, căn cứ theo tiêu chuẩn nào, cách đấu thầu nào đến nay vẫn chưa được công khai làm rõ.

Theo quan điểm của Hiệp hội vận tải Hà Nội, việc đấu thầu "quyền khai thác" không giúp lựa chọn doanh nghiệp có thực lực trong ngành kinh doanh taxi, không giúp tăng thu thêm ngân sách cũng như không nâng cao chất lượng công tác quản lý. Ngược lại, nó đã vô tình đẩy doanh nghiệp vào thế bị động, tước đi quyền tự chủ kinh doanh, đầu tư thay thế phương tiện.

"Thay vì được tự chủ kinh doanh, các doanh nghiệp lại phải đấu thầu để mua lại ‘quyền khai thác’ của chính chiếc xe doanh nghiệp vừa thanh lý. Việc này làm gia tăng chi phí vào tạo tâm lý bất an cho doanh nghiệp", văn bản của Hiệp hội viết.

Hơn nữa đầu tư taxi là đầu tư chiều sâu, thời gian thu hồi vốn lâu dài (5-7 năm), doanh nghiệp taxi phải đầu tư rất lớn cho quảng bá thương hiệu, làm hệ thống mới có khách hàng; vốn lại hoàn toàn tự bỏ ra (cộng với vay ngân hàng) nên rất cần sự ổn định của chính sách. 

Việc đấu thầu sẽ làm số xe của doanh nghiệp không ổn định, khiến nguồn lực của doanh nghiệp bị tổn hao, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh.

Xây dựng trung tâm điều hành là chiếm đoạt giá trị thương hiệu của doanh nghiệp

Điều 11 Dự thảo Quy chế quy định từ ngày 1/1/2019, các doanh nghiệp taxi bị buộc sử dụng, kết nối vào tổng đài chung của thành phố; nếu không sẽ bị cắt tần số, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, thu hồi phù hiệu taxi để đem đấu thầu.

Theo Hiệp hội vận tải Hà Nội, dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, việc thành lập trung tâm điều hành không làm chất lượng taxi Hà Nội tốt hơn, không làm việc quản lý hiệu quả hơn mà trái lại làm gia tăng chi phí, nhân lực, thêm gánh nặng cho ngân sách thành phố.

Việc cơ quan quản lý nhà nước đứng ra vận hành một trung tâm điều hành kinh doanh chung cho tất cả doanh nghiệp sẽ không gắn kết được quyền lợi và trách nhiệm giữa các doanh nghiệp với nhau. Đây là một kiểu hợp tác xã, mang hơi hướng bao cấp, trái với quy luật thị trường.

"Không thể đảm bảo các nhân viên điều hành không có hành vi ăn dơ với doanh nghiệp - lái xe để điều chuyển cuốc khách cho các doanh nghiệp - lái xe đã chi tiền thưởng cho họ. Các doanh nghiệp đã phải có một lực lượng thanh tra hùng hậu, các giải pháp công nghệ, giám sát trực tiếp từ trung tâm điều hành đến giám đốc để ngăn chặn việc này, vậy thành phố có cần xây dựng lực lượng thanh tra chuyên trách để ngày đêm theo dõi hiện tượng này không?" – Hiệp hội đặt câu hỏi.

Quy chế quản lý kinh doanh taxi đang mở đường cho thôn tính doanh nghiệp ảnh 2

Việc xây dựng trung tâm điều hành thực chất là chiếm quyền điều hành và tước đoạt giá trị thương hiệu của doanh nghiệp taxi

Còn xét dưới góc độ của một doanh nghiệp vận tải, có thể nói, quan hệ giữa khách hàng và doanh nghiệp là trực tiếp; yêu cầu cung cấp dịch vụ taxi là quyền của khách hàng, không cần phải qua 1 trung tâm điều hành nào cả. Việc xây dựng trung tâm điều hành "bản chất là chiếm quyền điều hành của doanh nghiệp sau bao năm xây dựng nên".

Khách hàng lựa chọn dịch vụ taxi trên cơ sở chất lượng và giá của dịch vụ. Chất lượng phục vụ được hình thành từ chất lượng phương tiện, thời gian đón khách – đây là nét riêng biêt và thương hiệu của doanh nghiệp taxi. 

Để có chất lượng dịch vụ tốt, các doanh nghiệp taxi đã phải đầu tư rất nhiều về tiền bạc, công sức, trí tuệ và thời gian. Do đó, "việc sử dụng trung tâm điều hành thực chất là lấy đi giá trị thương hiệu của doanh nghiệp sau nhiều năm xây dựng để san sẻ cho các doanh nghiệp mới, non yếu, ít đầu tư".

Hệ quả là các doanh nghiệp không đầu tư nâng cao chất lượng nữa, kéo theo chất lượng taxi của Hà Nội bị suy giảm theo.

Quy định thu hồi phù hiệu sau 90 ngày là không có cơ sở

Điều 13 Dự thảo Quy chế quy định trong vòng 15 ngày kể từ khi phương tiện ngừng hoạt động, doanh nghiệp phải thông báo và trả lại phù hiệu taxi. Nếu doanh nghiệp không thay thế phương tiện trong vòng 90 ngày sẽ bị thu hồi phù hiệu taxi của phương tiện đó để đem đấu thầu.

Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng đây là một quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, chưa phù hợp với tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tại Nghị quyết 35 của Chính phủ.

Thêm vào đó, việc quy định thời hạn 90 ngày là không có cơ sở xác đáng. Theo Điều 23, Nghị quyết 86/2014, doanh nghiệp kinh doanh vận tải chỉ bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn khi không kinh doanh vận tải trong thời gian 6 tháng (kể từ ngày cấp phép hoặc ngưng 6 tháng liên tiếp). Ở đây phù hiệu taxi có thể hiểu như một loại giấy phép nên cần áp dụng quy định của Nghị quyết 86.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, để thanh lý một xe cũ cần phải trải qua rất nhiều bước nên thời gian bị kéo dài, do đó quy định 90 ngày sẽ gây khó khăn rất lớn. Chưa kể, Nghị quyết 86 và Thông tư 63 không quy định về việc này nên quy định của Dự thảo Quy chế lại càng không có cơ sở.

Quy chế quản lý kinh doanh taxi đang mở đường cho thôn tính doanh nghiệp ảnh 3

Doanh nghiệp taxi đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn, giờ lại vướng thêm những quy định trói chân tại Dự thảo Quy chế

Từ những phân tích trên, Hiệp hội vận tải Hà Nội kiến nghị Sở Giao thông vận tải chờ Chính phủ sửa đổi Nghị định 86 – văn bản pháp lý quan trọng nhất về quản lý hoạt động vận tải – rồi mới lấy đó làm cơ sở để xây dựng Quy chế, tránh tình trạng mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

"Quy định đấu giá quyền khai thác và xây dựng trung tâm điều hành sẽ gây ra những kẽ hở rất lớn cho hoạt động thôn tính các doanh nghiệp taxi tại Hà Nội. Bởi khi đó, các doanh nghiệp lớn rất dễ thâu tóm doanh nghiệp nhỏ thông qua việc chạy thầu ‘quyền khai thác’. Đồng thời họ cũng sẽ chiếm đoạt toàn bộ giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp nhỏ thông qua trung tâm điều hành mà không cần bỏ ra nhiều tiền mua doanh nghiệp. Nhiều chủ đầu tư sẽ mất vốn, ngân hàng phát sinh nợ quá hạn, người lao động mất việc làm…

"Việc quản lý kinh doanh taxi là cần thiết nhưng nhưng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển thì ngân sách mới có nguồn thu, từ đó mang lại nhiều giá trị cho xã hội", Hiêp hội vận tải Hà Nội nêu quan điểm.

Tin mới lên