Thị trường

Quy định về điều kiện kinh doanh ô tô vẫn gây bức xúc lớn

Không chỉ doanh nghiệp than khó đáp ứng yêu cầu về đường thử, thủ tục kiểm tra rườm rà và nhiều rào cản, hiệp hội ngành hàng cũng như một số quốc gia nằm trong khối WTO cũng bày tỏ một số lo ngại đối với Nghị định 116 có hiệu lực thi hành gần một năm.

Quy định về điều kiện kinh doanh ô tô vẫn gây bức xúc lớn

Quy định về điều kiện kinh doanh ô tô vẫn gây bức xúc lớn

Theo quy định của Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô thì điều kiện đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô là phải có cơ sở vật chất như nhà xưởng sản xuất, dây chuyển công nghệ lắp ráp, dây chuyền hàn, dây chuyền sơn, dây chuyền kiểm tra chất lượng và đường thử xe.

Đường thử xe quy định rất rõ trong Nghị định 116 là phải có chiều dài tối thiểu 800m, với các điều kiện địa hình rất sát với thực tế địa hình của các cung đường mà ô tô phải đi qua như đường bằng phẳng, đường sỏi đá, đường gồ ghề, đường gợn sóng, đường trơn ướt, đường cua.

Tất cả các xe sản xuất, lắp ráp phải được chạy thử trên đường thử nhằm kiểm tra tính năng kỹ thuật, chất lượng sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. Nghị định 116 cũng quy định rất cụ thể các tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại địa hình trên đường thử xe.

Tuy nhiên, trong văn bản mới đây gửi Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, Công ty TNHH Ô tô Isuzu Việt Nam cho biết với diện tích nhà máy hiện nay doanh nghiệp này không thể đáp ứng yêu cầu có đường thử tối thiểu 400 mét. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của Nghị định 116, Isuzu Việt Nam phải tiến hành khảo sát, tìm kiếm để thuê đất tại khu công nghiệp Tân Phú Trung.

Do cấu trúc địa tầng đất khu vực này là đất ruộng, cần phải cải tạo lại chất lượng lô đất và thời gian dự kiến kéo dài chừng 6 tháng. Cùng với các thủ tục phê duyệt thiết kế, xin giấy phép xây dựng, lắp đặt thiết bị, hoàn công… nên thời gian hoàn thành công trình được Isuzu dự kiến mất khoảng 1 năm.

“Chúng tôi lo ngại rằng sẽ không kịp tiến độ đã quy định là phải hoàn thành trước ngày 17/4/2019”, doanh nghiệp này chia sẻ.

Trước đó, tại phiên họp tháng 6/2018 của Uỷ ban WTO diễn ra mới đây, một số nước thành viên gồm Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, EU, Canada và Nga cũng bày tỏ sự quan ngại đối với Nghị định 116 về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô; Thông tư 03 của Bộ Gioa thông Vận tải…

Các nước này đề nghị tạm hoãn thi hành Nghị định 116 để nhà sản xuất có thời gian đáp ứng với quy định, đặc biệt là điều khoản về thử nghiệm theo lô, đồng thời đề nghị Việt Nam điều chỉnh nội dung tring Nghị định trên nguyên tắc không phân biệt đối xử và không tạo ra rào cản thương mại trên mức cần thiết.

Trước đó, trong một văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng những kiến nghị của doanh nghiệp về Nghị định 116 và thông tư 03 hướng dẫn là không chính xác. Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tiếp tục thực hiện các quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô chứ không xem xét chỉnh sửa.

Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định hiện nay những hãng xe lớn như Honda, General Motor, Toyota, Mitsubishi, BMW, Mercedes… cũng đã đáp ứng đầy đủ các quy định về giấy chứng nhận kiểu loại ô tô cấp cho xe nhập khẩu, phù hợp với quy định hiện hành và đã nhập khẩu xe về thị trường Việt Nam.

Tính đến trung tuần tháng 5, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gần 120 bộ hồ sơ đăng ký nhập khẩu xe từ các doanh nghiệp với số lượng gần 60 kiểu loại ô tô khác nhau và đã cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Đã có gần 4.400 xe được cấp giấy chứng nhận để các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục đưa xe về thị trường.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, các số liệu kể trên cho thấy, xe nhập khẩu về Việt Nam không gặp phải rào cản, khó khăn vướng mắc liên quan đến giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô VTA như một số doanh nghiệp, tổ chức kiến nghị.

Tin mới lên