Công nghệ

Quỹ Thụy Điển rót hàng chục triệu USD vào Trung tâm tiếng Anh ILA

Khoản đầu tư vào chuỗi giảng dạy Anh ngữ không được tiết lộ.

Quỹ Thụy Điển rót hàng chục triệu USD vào Trung tâm tiếng Anh ILA

Thông qua quỹ EQT Mid Market, quỹ đầu tư tư nhân EQT Capital Partners có trụ sở tại Thụy Điển đã đầu tư một khoản tiền không được tiết lộ vào công ty sở hữu Trung tâm Anh ngữ ILA Việt Nam, EQT và trang DealStreet Asia đưa tin.

Theo thông tin đăng trên website của EQT Mid Market, khoản tiền quỹ này đầu tư trong một thương vụ dao động ở mức 40-70 triệu euro tại Bắc Âu, và từ 40-100 triệu euro tại Trung Quốc và Đông Nam Á.

Như vậy, khoản đầu tư của EQT vào ILA Việt Nam có thể có giá trị ít nhất 40 triệu euro.

Vào cuối năm ngoái, quỹ đầu tư HPEF Capital Partners cùng với một nhóm cổ đông khác công bố ý định bán lại 60% số cổ phần của mình tại chuỗi trung tâm tiếng Anh ILA với mức giá dự kiến là 150 triệu USD. Việc chào bán đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tư nhân và các công ty giáo dục.

Johan Bygge, Chủ tịch của EQT tại châu Á – Thái Bình Dương, cho biết, với kinh nghiệp và mạng lưới giáo dục toàn cầu của mình, quỹ này sẽ hỗ trợ ILA phát triển thêm.

Theo thông tin trên trang web, ILA được thành lập từ năm 2001 và hiện có 34 trung tâm tại 7 tỉnh thành phố ở Việt Nam, với đội ngũ hơn 500 giáo viên nước ngoài. Trong năm ngoái, hệ thống này đã có hơn 40.000 học viên theo học. Nếu tính cả từ lúc thành lập, tổng số học viên là hơn 250.000 người.

HPEF là bộ phận đầu tư tư nhân tại châu Á của Tập đoàn HSBC. Sau đó, quỹ này được tách ra vào năm 2010 với tên gọi Headland Capital Partners. Năm 2016, quỹ lấy lại tên HPEF.

Hồi năm 2013, HPEF khi còn mang tên Headland đã mua lại 60% cổ phần trong ILA từ tay các nhà sáng lập với mức giá không được tiết lộ thông qua sự tư vấn của hãng Rothschild & Co, theo Cafebiz.

EQT đã kêu gọi được tổng số vốn 37 tỷ euro thông qua 24 quỹ thành viên và đã đầu tư vào các công ty tại châu Âu, châu Á và Mỹ.

Theo công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, lĩnh vực giáo dục của Việt Nam rất hấp dẫn vốn FDI do 42,1% dân số có độ tuổi dưới 24. Chỉ tính riêng năm 2015, có 110.000 du học sinh Việt Nam ở nước ngoài và chi tiêu tới 3 tỷ USD.

Tính đến tháng 11/2015, khoảng 3 tỷ USD vốn FDI đã đổ vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, vốn được mở cửa cho nước ngoài kể từ năm 2009.

Tin mới lên