Tiêu điểm

Quyết định 'chưa từng có trong lịch sử' Bộ Công Thương: Hiệp hội logistics đề nghị xem xét lại

Hiệp hội Logistics cho biết có 5 điều kiện kinh doanh ngành dịch vụ logistic được cắt giảm tuy nhiên thực chất đây không phải là điều kiên kinh doanh mà là "nghiệp vụ kinh doanh" không ảnh hưởng đến việc cản trở, gây khó cho doanh nghiệp.

Quyết định 'chưa từng có trong lịch sử' Bộ Công Thương: Hiệp hội logistics đề nghị xem xét lại

Ảnh minh họa.

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) mới đây đã gửi đề nghị xem xét lại việc cắt giảm Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics sau khi Bộ Công Thương công bố phương án cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018.

Theo quyết định này 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm trong đó cso 5 điều kiện kinh doanh ngành dịch vụ logistics quy định trong Nghị định 140/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007.

Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, Hiệp hội hoan nghênh việc cải tiến thủ tục hành chính mạnh mẽ của Bộ Công Thương nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics nói riêng trong việc giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về việc sẽ cắt giảm điều kiện kinh doanh đối với thương nhân kinh doanh các dịch vụ logistics liên quan đến vận tải: "Tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật Việt Nam" Hiệp hội đề nghị Bộ Công Thương cân nhắc tính toán kỹ việc loại bỏ Điều 6, Khoản 2 và Điều 7, Khoản 1 trong Nghị định 140 kể trên vì việc hủy bỏ 2 Điều trên có liên quan đến các Điều 235 và 238 tại Khoản 2 của Luật Thương mại 2005. Nói cách khác là việc hủy bỏ các Điều trong Nghị định của Chính phủ tương đương hủy bỏ các quy định trong Luật Thương mại 2005.

"Việc hủy bỏ quy định của Luật Thương mại phải do Quốc hội quyết định chứ không thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương", Hiệp hội Logistics Việt Nam cho hay.

Ngoài ra, VLA cũng lưu ý thêm, việc huỷ bỏ các quy định trên cũng đồng nghĩa việc các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam cũng sẽ không được hưởng các giới hạn trách nhiệm trong Luật Hàng hải Việt Nam hay các giới hạn trách nhiệm trong Luật hàng không Việt Nam, Luật Đường bộ, Luật Đường sắt và Luật Đường thuỷ nội địa.

Từ đó, các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam cũng sẽ không được hưởng các giới hạn này theo pháp luật và thông lệ quốc tế, đi liền với đó là các nhà bảo hiểm sẽ tăng bảo hiểm phí cho trách nhiệm dân sự của các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam.

"Giá dịch vụ của Việt Nam có thể sẽ tăng lên đáng kể và trong chừng mực nào đó làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Thực chất đây không phải là điều kiện kinh doanh mà là "nghiệp vụ kinh doanh", các nội dung chuyên môn mà doanh nghiệp cần thực hiện và không ảnh hưởng đến việc cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp như chúng ta đang cần loại bỏ và dễ bị hiểu nhầm", Hiệp hội Logistics nêu quan điểm.

Tại văn bản, Hiệp hội Logistics đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét các đề nghị nhằm bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và quyền lợi của kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập. 

Tin mới lên