Tài chính

Rà soát, điều chỉnh giá dịch vụ của các trạm BOT giao thông

Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sớm quyết toán các công trình dự án BOT hoàn thành thực hiện điều chỉnh phương án tài chính của hợp đồng BOT, để làm cơ sở điều chỉnh mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và thời gian hoàn vốn.

Rà soát, điều chỉnh giá dịch vụ của các trạm BOT giao thông

Điều chỉnh mức thu, trạm thu

Tại văn bản này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT rà soát các dự án BOT đang thu và dự án mới đưa vào thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, để kịp thời ban hành văn bản quy định giá dịch vụ cho các dự án phù hợp với quy định pháp luật về giá.

Trước đó, kể từ ngày 1/1/2017, theo quy định tại Luật Phí, lệ phí, phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh đã chuyển sang cơ chế giá. Trong khi đó, các thông tư quy định thu phí hoàn vốn các dự án BOT của Bộ Tài chính đã hết hiệu lực thi hành.

Cũng tại văn bản này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh giảm hoặc đề xuất điều chỉnh giảm giá, phí trong lĩnh vực giao thông. Theo Bộ Tài chính, mức thu tại thông tư ban hành trước năm 2017 được tính toán để hoàn vốn tổng mức đầu tư tại hợp đồng BOT. 

Đến nay, dự án đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng và thu theo cơ chế giá dịch vụ. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc điều chỉnh mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ, bao gồm tổng mức đầu tư (thay đổi chi phí xây dựng, lãi vay, giải phóng mặt bằng, thuế GTGT đầu vào được hoàn, dự phòng phí,…) hoặc thay đổi về lưu lượng phương tiện so với phương án tài chính kèm hợp đồng BOT.

Tại các hợp đồng BOT đều có quy định về điều chỉnh phương án tài chính. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai việc quyết toán công trình dự án BOT hoàn thành, thực hiện điều chỉnh phương án tài chính của hợp đồng BOT, để làm cơ sở điều chỉnh mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và thời gian hoàn vốn, đảm bảo phù hợp với giá trị quyết toán công trình hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật.

Về trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, theo Bộ Tài chính, thực tế, một số trạm thu giá còn phát sinh bất cập như nằm ngoài phạm vi dự án. Điều này đã được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phản ánh của người dân.

Trong thời gian qua, Bộ GTVT cũng đã xây dựng các phương án và thực hiện sắp xếp dịch chuyển hoặc giảm giá dịch vụ của một số trạm nhằm khắc phục một số bất cập. 

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT khẩn trương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố (nơi có trạm thu giá dịch vụ BOT đang gặp phản ứng của người dân) rà soát để có những giải pháp xử lý kịp thời.

Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh vị trí đặt trạm, điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ của một số dự án BOT, theo đó ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án, đề nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương và nhà đầu tư dự án xem xét, thống nhất quyết định, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo khả thi về phương án tài chính của dự án, hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Xây dựng nguyên tắc xác định giá dịch vụ

Cũng theo Bộ Tài chính, trước đây phương thức thu phí chủ yếu là thu phí khi phương tiện qua trạm (ngoại trừ các dự án đường cao tốc thu phí tính theo km xe chạy) dẫn đến chủ phương tiện phải trả chung mức phí không phân biệt quãng đường xe qua. Mặc dù, có quy định mua vé tháng, vé quý, tuy nhiên, vẫn phát sinh phản ứng của chủ phương tiện gần trạm.

Hiện nay, dịch vụ sử dụng đường bộ đã chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá, thực hiện theo Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT. Bộ GTVT đã thực hiện miễn, giảm giá cho chủ phương tiện gần một số trạm. 

Để đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu xây dựng nguyên tắc xác định mức giá cho các đối tượng phù hợp với chất lượng và mức độ sử dụng dịch vụ mà chủ phương tiện thực tế sử dụng.

Cũng liên quan đến giá dịch vụ BOT, Bộ GTVT cho biết đã phối hợp với Bộ Tài chính có các văn bản triển khai việc rà soát, điều chỉnh mức thu phí đường bộ; đồng thời đàm phán thống nhất với các nhà đầu tư để giảm mức phí tại các trạm thu phí của các dự án BOT. 

Hiện trong tổng số 73 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (bao gồm 55 trạm thuộc các dự án BOT đã hoàn thành đi vào khai thác và 18 trạm thuộc các dự án BOT đang thực hiện đầu tư, chưa thu giá dịch vụ), Bộ GTVT đã triển khai thực hiện giảm giá 38 trạm.

Mới đây nhất, Bộ GTVT vừa có văn bản chấp thuận giảm 20% giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với tất cả loại vé qua trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa trên quốc lộ 1 qua huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Mức giảm sẽ áp dụng cho tất cả loại vé lượt, tháng và quý từ ngày 1/11.

Ngoài ra, trong 54 dự án cần rà soát, cơ quan chức năng của Bộ GTVT đã xem xét hơn 10 trạm, xử lý được 6 trạm. Trong đó, Bộ GTVT chấp thuận giảm phí trạm cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ ngày 15/10 với mức 25% và đang xem xét giảm phí tại một số trạm trên quốc lộ 1 qua khu vực miền Trung.

Bộ GTVT cũng cho biết, tiến độ rà soát 54 dự án sẽ hoàn thành trong tháng 10/2017. Mức giảm phí dự kiến dao động 5% - 25%, tùy thuộc kết quả đàm phán với nhà đầu tư. Sau rà soát, dự kiến khoảng 60 - 70% số trạm sẽ giảm giá vé. Người dân sống ở quanh trạm sẽ được miễn phí hoặc phí tính theo tháng, quý.

Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện có 70 trạm BOT thu phí trên các tuyến quốc lộ, trong đó 10 trạm khoảng cách 60 - 70 km, 20 trạm khoảng cách dưới 60 km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT.

Tin mới lên