M&A

Rộ tin đồn AEON mua lại 'siêu dự án đắp chiếu' Ciputra Mall

(VNF) - Sau khi rót 200 triệu USD xây dựng Aeon Mall Him Lam tại Long Biên, thị trường đang lan truyền thông tin Tập đoàn AEON sẽ mua lại dự án Ciputra Mall nhằm biến nơi đây thành đại siêu thị lớn nhất Hà Nội.

Rộ tin đồn AEON mua lại 'siêu dự án đắp chiếu' Ciputra Mall

Nếu thâu tóm được dự án Ciputra Hanoi Mall, AEON có thể hoàn tất thế "gọng kìm" trong chiến lược chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Hà Nội

Mặc dù thông tin chuyển nhượng chưa được xác nhận, song có thể nói nếu thương vụ này diễn ra thì cũng có tính...hợp lý. Trong khi Ciputra Mall đang mang tiếng là một dự án đắp chiếu nhiều năm, AEON lại vẫn đang quá trình tìm kiếm các địa điểm mới để phát triển hệ thống của mình.

AEON được thành lập năm 1785, với lịch sử hơn 250 năm là một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất Nhật Bản. Đồng thời cũng là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất thế giới với 179 liên doanh trong và ngoài nước.

Bắt đầu bước chân vào Việt Nam từ năm 2009 bằng việc mở Văn phòng đại diện, song phải đến năm 2011, AEON mới chính thức gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam. Đấy là khi Tập đoàn này thành lập Công ty TNHH AEON Việt Nam để liên doanh với Tập đoàn Trung Nguyên triển khai chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop.

Tuy nhiên, với chỉ trên dưới 20 cửa hàng được mở, Ministop được xem là một sự thất bại của AEON. Tập đoàn này dần nhận ra rằng với hàng loạt tên tuổi lớn như Metro, Big C, Co.opmart… thị trường bán lẻ Việt Nam không hề đơn giản như những gì họ nghĩ.

Phải mất 2 năm nghiên cứu thị trường, AEON mới dám tung 109 triệu USD để mở Trung tâm thương mại AEON đầu tiên tại Khu đô thị Celadon Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.

Và thành công đến gần như ngay lập tức khi chỉ trong 3 tháng đầu, Aeon Mall Caledon City thu hút tới hơn 3 triệu lượt khách đến mua sắm, trong đó có 12 vạn người trở thành khách hàng thường xuyên.

Chớp lấy cơ hội đang rộng mở, tháng 11/2014, AEON tiếp tục đầu tư dự án thứ hai trị giá hơn 95 triệu USD mang tên Aeon Mall Canary Bình Dương. Và cũng như dự án trước, Aeon Mall Canary Bình Dương nhanh chóng chiếm được thị phần rất lớn tại khu vực.

Sự tăng trưởng nóng về lượt khách và lợi nhuận của AEON lập tức làm "sôi" thị trường bán lẻ Việt. Dù là người đến sau, nhưng AEON lại cho thấy khả năng chiếm ưu thế của mình. Điều này khiến cho cuộc đua cạnh tranh giữa các đại gia bán lẻ ngày càng trở nên gay gắt.

Để đủ sức chen vai với các ông lớn, mở rộng được thị trường, ngoài việc phát triển trung tâm thương mại riêng, thì bắt tay với các thương hiệu bán lẻ trong nước cũng là một biện pháp mà AEON ưu tiên thực hiện. Chính vì thế, trong năm 2014, AEON đã tiến hành mua lại 49% chuỗi Citimart và 30% chuỗi Fivimart để tăng cường sức mạnh ở cả chiều rộng lẫn sâu.

Với 27 siêu thị chủ yếu tại TP. HCM, việc AEON liên kết với Citimart mang nhiều ý nghĩa củng cố thị phần trong nam. Còn với 20 siêu thị tại Hà Nội, cú bắt tay với Fivimart cho thấy ý định "bắc tiến" rất rõ ràng của tập đoàn này trong giai đoạn tiếp theo.

Ý định ấy đã trở thành hiện thực khi cuối năm 2014, AEON mang hơn 200 triệu USD đổ vào xây dựng Khu phức hợp trung tâm thương mại, dịch vụ cộng đồng và triển lãm Aeon Mall Him Lam tại Sài Đồng, Long Biên.

Đi vào hoạt động từ tháng 10/2015, Aeon Mall Him Lam là một đại siêu thị có diện tích xây dựng lên tới gần 96.000 m2 gồm khu bách hóa trung tâm cao 4 tầng, 180 gian hàng chuyên dụng và một tổ hợp café, nhà hàng, fitness… có khả năng cung cấp dịch vụ cùng lúc cho hàng nghìn người.

Thành công trong xây dựng và vận hành đại siêu thị này một lần nữa chứng minh khả năng tài chính và tham vọng thống lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam của AEON.

AEON sẽ mua lại Ciputra Hanoi Mall?

Dù thuộc trung tâm nhưng AEON Mall Him Lam về cơ bản vẫn là một tổ hợp ở ngoại vi, nằm bên kia sông Hồng. Chính vì thế, để tranh giành thị phần với Big C, Vinmart… AEONAEON phải tiến hành xâm nhập vào nội đô.

Thời gian trước, thị trường rộ lên thông tin Aeon sẽ xây đại siêu thị 200 triệu USD tại khu công nghiệp Nam Thăng Long, tuy nhiên, ông Yukio Konishi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam đã bác bỏ thông tin trên.

Một thời gian sau, thị trường lại rộ lên luồng thông tin khác cho rằng AEON đã nhắm tới Dự án Ciputra Hanoi Mall của Tập đoàn Ciputra đang được xây dựng dở dang ở quận Tây Hồ.

Nằm trong quần thể khu đô thị Ciputra , đại siêu thị Ciputra Hanoi Mall có tổng diện tích lên tới 7,3 ha, được đầu tư với tổng vốn lên tới 2000 tỷ đồng.

Được quy hoạch gồm 5 tầng, với khoảng 1.200 cửa hàng bán lẻ, tổng diện tích sử dụng của đại siêu thị Ciputra ước tính lên tới 200 nghìn m2. Ngoài ra dự án còn có thêm 1 trung tâm chiếu phim với 12 rạp màn hình rộng.

Nhưng, sau 6 năm thi công, dự án mới chỉ xây xong phần móng và gần như nằm "bất động" từ năm 2012 đến nay.

Nếu có thể thâu tóm thành công và đủ sức để xây dựng đại siêu thị này, AEON sẽ hoàn tất "gọng kìm" đông tây của mình trong việc giành mặt bằng và chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Hà Nội, qua đó xác lập vị thế hàng đầu trong số các đại gia bán lẻ hiện nay.

Tin mới lên