Tiêu điểm

Rosatom nói gì trước quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận?

(VNF) - Rosatom nói tập đoàn này "tôn trọng quyết định của khách hàng và luôn sẵn sàng để toàn tâm giúp đỡ Việt Nam trong trường hợp Chính phủ Việt Nam tiếp tục dự án điện hạt nhân quốc gia".

Rosatom nói gì trước quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận?

Ngay sau khi Việt Nam ra thông cáo báo chí về việc ngừng Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trên các phương tiện truyền thông, đại diện truyền thông của Tập đoàn Rosatom đã gửi cho Cơ quan thường trú TTXVN tại Moskva tuyên bố chính thức của Tập đoàn về vấn đề kể trên.

Nguyên văn như sau: "Dựa trên những điều kiện kinh tế vĩ mô trong thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã quyết định dừng dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do Liên bang Nga và Nhật Bản triển khai. Chúng tôi tôn trọng quyết định của khách hàng và luôn sẵn sàng để toàn tâm giúp đỡ Việt Nam trong trường hợp Chính phủ Việt Nam tiếp tục dự án điện hạt nhân quốc gia.

Giữa Liên bang Nga và Việt Nam đã hình thành mối quan hệ hợp tác song phương lâu dài trong lĩnh vực công nghiệp điện hạt nhân. Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt sẽ cho phép Việt Nam tiếp tục phát triển công nghệ hạt nhân với sự giúp đỡ của Liên bang Nga, bao gồm việc xây dựng những cơ sở hạ tầng cần thiết là nền tảng cho việc phát triển năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình của quốc gia".

Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư năm 2009, dự kiến gồm 2 nhà máy. Mỗi nhà máy có 2 tổ máy, công suất 2.000 MW. Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.

Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc dừng dự án này và Văn phòng Chính phủ đã có cuộc họp báo chính thức để công bố thông tin.

Theo Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ, công nghệ hạt nhân của Liên bang Nga và Nhật Bản dự kiến sử dụng cho các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đều là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và có mức độ an toàn rất cao.

Việc dừng thực hiện dự án không phải với lý do công nghệ mà là do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay.

Cụ thể, tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư Dự án, dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều, khả năng liên kết lưới điện khu vực để trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng dự kiến sẽ tăng cường trong thời gian tới và đặc biệt là tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành sản xuất điện từ các dạng năng lượng này đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm qua.

Mặt khác, Việt Nam đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cũng như nguồn vốn để giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra.

Tin mới lên