Tài chính

SAB và PLX giảm điểm, VN-Index bị đẩy xuống dưới mốc tham chiếu

(VNF) - Thị trường về cuối phiên giao dịch bất ngờ có những diễn biến khá tích cực, hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bất ngờ tăng giá, giúp giao dịch trên thị trường trở nên khởi sắc hơn rất nhiều.

SAB và PLX giảm điểm, VN-Index bị đẩy xuống dưới mốc tham chiếu

Ảnh minh họa

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm nhẹ 0,23 điểm xuống mức 805,35 điểm tương ứng giảm 0,03%, HNX-Index tăng 0,57 điểm lên mức 107,91 điểm tương ứng mức tăng 0,53%, UPCOM-Index giảm 0,16 điểm xuống mức 54,26 điểm tương ứng giảm 0,3%. Thanh khoản hôm nay duy trì ở mức khá cao, đạt 251 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương ứng giá trị giao dịch đạt 4.604 tỷ đồng.

Ở nhóm blue-chip, VNM, GAS cùng với nhóm ngân hàng tăng điểm là động lực chính kéo VN-Index không giảm sâu, chiều ngược lại, SAB và PLX giảm điểm là nguyên nhân chính khiến làm VN-Index giao dịch dưới mức giá tham chiếu.

Nhóm dầu khí có sự khởi sắc khi GAS tăng 1,1%. Được biết, giới giao dịch dầu lửa đang ngày càng lạc quan, nếu năm ngoái, các nhà giao dịch nói về mức giá 50 USD/thùng, thì năm nay, họ bắt đầu nói về mức giá 60 USD/thùng. Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng vào hôm thứ 2 do thị trường kỳ vọng nhiều hơn vào khả năng các nước sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng ACB tăng 1,7%, CTG tăng 0,3%, VCB tăng 04%, STB tăng 1,6% và khớp lệnh hơn 5 triệu cổ phiếu nhờ thông tin ông Dương Công Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị đăng ký mua 18 triệu cổ phiếu. Cùng với đó, VPB giảm nhẹ 0,1%, MBB giảm 0,7%, VIB giảm 0,5%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đáng chú ý, cổ phiếu FIT giảm kịch sàn và khớp lệnh lần lượt 9,3 triệu cổ phiếu, cổ phiếu KLF có lúc bị đẩy xuống giá sàn nhưng lượng mua được đẩy mạnh vào phiên ATC giúp cổ phiếu này quay lại mức giá tham chiếu, cùng với khối lượng khớp lệnh đạt 14,6 triệu đơn vị. 

Một cổ phiếu đang gây ra nhiều sự hoang mang cho nhà đầu tư trong phiên hôm nay là ACM đã giảm sàn xuống 2.100 đồng/cổ phiếu. Điểm đáng chú ý là mới đây, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã có đính chính giao dịch của bà Phạm Thị Thúy Hạnh, Tổng giám đốc của ACM đã đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu này thay vì mua vào như công bố ngày hôm qua. Chốt phiên hôm qua, cổ phiếu ACM tăng trần lên 2.300 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nhà đầu tư mua giá trần cổ phiếu ACM hôm qua có lẽ đang như ngồi trên đống lửa. 

Trong khi đó, HDG tăng 5,4% nhờ thông tin Bộ Quốc Phòng đã đăng ký bán toàn bộ gần 7,6 triệu cp, tương đương 9,94% vốn của công ty cổ phần Tập Đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) theo phương thức khớp lệch hoặc thỏa thuận trong 3 ngày từ 27-30/09.

Cổ phiếu MWG giảm 0,8% sau thông tin 8 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu đạt 42.283 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng 1.452 tỷ đồng, lần lượt thực hiện được 67% và 66% chỉ tiêu cả năm 2017.

Cổ phiếu VJC giảm 1,7% sau khi Ngân hàng HDBank, cổ đông đã hoàn tất việc mua vào hơn 2,54 triệu cổ phiếu VJC trong ngày 21/9 theo phương thức thỏa thuận. Qua đó, HD bank đã nâng sở hữu tại VJC từ hơn 13,41 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,16% lên hơn 15,95 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,95%.

Hiện nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ giúp VN-Index tăng mạnh và tạo ra cú bứt phá mới để thúc đẩy dòng tiền. Tuần này là tuần giao dịch cuối cùng không chỉ của tháng 9 mà của cả quý II, vì thế nó tương đối quan trọng với nhiều Quỹ đầu tư.

Việc chốt NAV dù không quá quan trọng nhưng có thể là cơ hội tốt để kéo giá lên vùng cao mới và tạo ra một vòng quay mới của dòng tiền. Tuy nhiên điều đó có diễn ra hay không còn phải chờ đợi.

Nhà đầu tư nên duy trì danh mục cân bằng, tạm thời giữ vị thế quan sát, chờ đợi các tín hiệu tích cực hơn từ thị trường để có hành động phù hợp.

Tin mới lên