Ngân hàng

Sacombank ghi nhận trên 46.000 tỷ nợ xấu, chiếm 19% tổng dư nợ

(VNF) – Sacombank hiện ghi nhận tới trên 46.000 tỷ đồng nợ xấu gồm cả nợ xấu nội bảng và ngoại bảng, chiếm tới 19% tổng dư nợ (bao gồm cả dư nợ tín dụng và trái phiếu VAMC), theo báo cáo tài chính mới công bố của ngân hàng này.

Sacombank ghi nhận trên 46.000 tỷ nợ xấu, chiếm 19% tổng dư nợ

Nợ xấu nội bảng và ngoại bảng của Sacombank hiện lên tới trên 46.000 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017, theo đó, lợi nhuận trước thuế quý I/2017 của Sacombank đạt 309,4 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2016.

Đi sâu hơn, sự gia tăng lợi nhuận này của Sacombank không hẳn đến từ tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, quý I/2017, mảng kinh doanh trụ cột là tín dụng – đầu tư đem lại cho Sacombank 1.051 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm 15% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do chi phí lãi (chủ yếu là lãi tiền gửi) của Sacombank tăng nhanh hơn thu nhập lãi. Đây là hệ quả từ việc Sacombank phải gánh lượng lớn lãi tiền gửi sau sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) nhưng thu nhập đem về không tương xứng do lượng lớn các khoản cho vay bị chôn vùi trong nợ xấu, tài sản sinh lời kém – không sinh lời.

Trong khi đó, các mảng kinh doanh khác của Sacombank khá khởi sắc như mảng dịch vụ đem về lãi thuần 382 tỷ đồng, tăng 22,4%; mảng kinh doanh ngoại hối đem về lãi thuần 147 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần; mảng mua bán chứng khoán kinh doanh đem về lãi thuần 6,1 tỷ đồng, cải thiên hơn mức âm của cùng kỳ năm ngoái; mảng mua bán chứng khoán đầu tư đem về lãi thuần 28,6 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần.

Tuy vậy, tổng thu nhập thuần quý I/2017 của Sacombank vẫn giảm nhẹ gần 10 tỷ đồng so với quý I/2016, đạt 1.704 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế quý I/2017 của Sacombank cải thiện chủ yếu là do chi phí hoạt động của ngân hàng này giảm 6%, cộng với việc chi phí trích lập dự phòng kỳ này là con số âm.

Sacombank

Lợi nhuận trước thuế quý I/2017 của Sacombank đạt 309,4 tỷ đồng, tăng 55%, tuy nhiên sự gia tăng này không hẳn đến từ tăng trưởng ở hoạt động kinh doanh

Đáng chú ý nhất trong báo cáo tài chính quý I/2017 của Sacombank là nợ xấu.

Tính đến hết ngày 31/03/2017, nợ xấu nội bảng của Sacombank ở mức 10.183 tỷ đồng, chiếm 4,88% dư nợ tín dụng, giảm khá mạnh so với mức 5,35% hồi đầu năm.

Về nợ xấu ngoại bảng, Sacombank chính thức ghi nhận 37.760 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC, trong đó đã dự phòng 1.624 tỷ đồng. Như vậy, nợ xấu ngoại bảng của Sacombank được ghi nhận là 36.136 tỷ đồng tính đến hết ngày 31/3/2017.

Tựu chung, tổng nợ xấu (cả nội bảng và ngoại bảng) mà Sacombank ghi nhận trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017 là 46.219 tỷ đồng, chiếm tới 19% tổng dư nợ (gồm dư nợ tín dụng và trái phiếu VAMC).

Tất nhiên con số nợ xấu thực tế không dừng ở đó. Hiện Sacombank đang ghi nhận tới 16.039 tỷ đồng các khoản phải thu và 26.009 tỷ đồng lãi dự thu. Lượng các khoản phải thu và lãi dự thu này cao bất thường và tiềm ẩn trong đó là lượng nợ xấu không hề nhỏ.

Sacombank

Nợ xấu nội bảng và ngoại bảng được Sacombank ghi nhận là trên 46.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu cũng theo đó mà lên tới 19%

Trong một diễn biến gần đây, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT NovaGroup đã chính thức xin rút, không tham gia đề án tái cơ cấu Sacombank.

Lý giải về quyết định của mình, ông Bùi Thành Nhơn cho biết, trong thời gian chờ đợi sự phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu Sacombank, đã xuất hiện rất nhiều thông tin trái chiều gây bất lợi cho NovaGroup.

Trước đó, NovaGroup đã có đề xuất sơ bộ mua 20% cổ phần của Sacombank, bao gồm cả kế hoạch nhân sự với sự góp mặt của nhiều tên tuổi quốc tế trong ban cố vấn và ban giám đốc, như Phó Chủ tịch Credit Suisse châu Á – ông Jose Isidro N. Camacho, nguyên CEO Deutsche Bank Vietnam – ông Tri N. Pham, Giám đốc Visa Đông Nam Á - ông Thomas Tobin, Phó Tổng giám đốc KPMG Hàn Quốc Derek Lee…

Với động thái rút lui của NovaGroup, cuộc "đại phẫu" Sacombank giờ chỉ còn trông chờ vào nhóm nhà đầu tư gồm: Evercore Group, Redsun Capital Limited và ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công – người một tay gây dựng Sacombank trước khi phải nhường quyền điều hành cho nhóm Trầm Bê vào năm 2012.

Với lượng nợ xấu khổng lồ trên 46.000 tỷ đồng, thậm chí lượng nợ xấu này vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ, gánh nặng nếu tham gia tái cơ cấu Sacombank trên vai ông Đặng Văn Thành sẽ là rất lớn.

Tin mới lên