Tài chính

Sacombank không đổi mã, chuyển sàn: Giá cổ phiếu sẽ tăng lại trong ngắn hạn

(VNF) – Theo báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), cổ đông của Sacombank (STB) không đồng ý với kế hoạch đổi mã chứng khoán từ STB thành SCM và chuyển sàn từ HSX sang HNX.

Sacombank không đổi mã, chuyển sàn: Giá cổ phiếu sẽ tăng lại trong ngắn hạn

Bà Lê Thị Hoa, thành viên Hội đồng quản trị độc lập của STB (trước đây là thành viên của Vietcombank – VCB) cho biết đây chưa phải là thời điểm thích hợp để đổi mã chứng khoán. Do vậy, Sacombank sẽ vẫn giữ mã chứng khoán STB và vẫn niêm yết trên HSX.

Cụ thể, đầu tháng 10/2017, Sacombank (STB) đã công bố quyết định của Hội đồng quản trị xin ý kiến cổ đông về một số nội dung quan trọng gồm kế hoạch đổi mã chứng khoán từ STB thành SCM, hủy niêm yết trên HSX để chuyển sang HNX. 

Quá trình xin ý kiến đã kết thúc vào ngày 22/11 và cổ đông đã không đồng ý với kế hoạch trên. Tuy nhiên, thị trường lại có phản ứng tích cực trước thông tin này và cổ phiếu STB đã tăng 4,8% trong phiên hôm qua (29/11).

Bà Lê Thị Hoa, thành viên Hội đồng quản trị độc lập của STB (trước đây là thành viên của Vietcombank – VCB) cho biết đây chưa phải là thời điểm thích hợp để đổi mã chứng khoán. Do vậy, Sacombank sẽ vẫn giữ mã chứng khoán STB và vẫn niêm yết trên HSX.

Đồng thời, cổ đông cũng không thông qua nội dung sửa đổi điều lệ (69,72% số cổ phần không thông qua). Theo đó, điều lệ đã được thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên vào ngày 30/6/2017 sẽ giữ nguyên và tiếp tục có hiệu lực. 

Nội dung sửa đổi (không được cổ đông thông qua) là nội dung về số lượng Phó chủ tịch Hội đồng quản trị. Nội dung này được sửa từ "Hội đồng quản trị gồm một Chủ tịch, hai Phó chủ tịch và một số thành viên" thành "Hội đồng quản trị gồm một Chủ tịch, một số Phó chủ tịch và một số thành viên".

Bên cạnh đó, cổ đông đã thông qua nội dung trích 20% đối với phần vượt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2017 để thưởng cho cán bộ nhân viên (kế hoạch lợi nhuận trước thuế được thông qua năm 2017 là 585 tỷ đồng). Trong 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của STB đã đạt 1.025 tỷ đồng.

Theo bà Hoa, STB trong thời gian tới sẽ tập trung triển khai 3 nhiệm vụ quan trọng nhất: (i) Hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã được thông qua năm 2017; (ii) Thực hiện đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt; và (iii) Thực hiện các dự án nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản lý rủi ro, trong đó có dự án Basel 2.

Theo HSC, việc cổ đông không thông qua nội dung chuyển sàn và thay mã chứng khoán, thì giá cổ phiếu của STB sẽ tăng lại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các yếu tố căn bản của cổ phiếu này vẫn chưa có gì thay đổi. 

Với "các tài sản có vấn đề" có giá trị rất lớn là 86.000 tỷ đồng theo ước tính của HSC, thực sự rất khó để STB xử lý nợ xấu của mình hoàn toàn thông qua quá trình dự phòng và xử lý tương tự ở các ngân hàng khác như ACB.

Thay vào đó, xử lý nợ xấu ở STB sẽ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào việc thanh lý tài sản đảm bảo. Trong khi đó, sự yếu kém trong hoạt động kinh doanh sẽ khiến ngân hàng này khó có được thu nhập hoạt động thuần đáng kể. Nghĩa là sẽ phải mất vài năm để lợi nhuận của STB hồi phục.

HSC vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận năm 2017 gần như bằng không, lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 4,23 tỷ đồng (giảm 97,28%) do thiếu thông tin về định giá tài sản đảm bảo và thời gian xử lý cụ thể.

Tin mới lên