Diễn đàn VNF

Sản xuất ô tô điện: chưa thể là đầu tư mang tính thương mại

Năm 2016, tôi đi thăm triển lãm ô tô ở Paris "Le Mondial de l’automobile Paris" - một triển lãm ô tô lớn và quan trọng bậc nhất thế giới, quy tụ đông đảo các hãng xe hàng đầu thế giới về đây trình diễn những công nghệ mới. Một trong những mục tiêu của triển lãm là chuẩn bị cho thị trường tương lai. Các hãng trưng bày những mẫu xe ý tưởng để vừa thăm dò thị hiếu khách hàng vừa thông tin những định hướng ngành công nghiệp ô tô tương lai.

Sản xuất ô tô điện: chưa thể là đầu tư mang tính thương mại

Ô tô điện là xu thế tất yếu của thời đại. (Ảnh minh họa)

Điểm đáng chú ý của triển lãm 2016 là sự hiện diện của nhiều mẫu "xe không khí thải" chạy điện 100%, đánh dấu sự vào cuộc ấn tượng của các tập đoàn ô tô quốc tế như Renault-Nissan, Mercedes, BMW, Opel,… Và mới nhất là Volkswagen đã thay đổi chiến lược sau những bê bối gian lận khí thải của hàng triệu xe diesel.

Xu thế tất yếu

Từ những hình ảnh và thông tin thu thập được, người viếng Triển lãm Paris 2016 có cảm nhận ô tô điện là xu thế tất yếu của thời đại. Giám đốc điều hành Volkswagen, ông Matthias Mueller sau khi công bố kế hoạch phát triển đến năm 2025 với 30 mẫu xe điện mới, cung cấp ra thị trường hơn một triệu xe đã kết luận "tương lai là ô tô điện".

Trong các gian hàng, Opel được chú ý với xe Ampere-e, sẽ được đưa ra thị trường trong thời gian tới, có thể đi được 400km; Volkswagen với Concept Car ID, dự định ra mắt khách hàng năm 2020 có tầm đi xa 400-600km cho một lần sạc; Renault bắt đầu bán Zoe2 chạy được 400km mỗi lần sạc, so với 240km hiện tại... Ông Tổng giám đốc Renault, Carlos Ghosn hy vọng mẫu Zoe2, khi vượt qua được ngưỡng 400km có thể sẽ khắc phục những "rào cản tâm lý" với người lái, vốn lo ngại hết pin khi đang chạy.

Để thực sự phát triển thị trường ô tô điện không cần những trợ cấp tài chính từ Nhà nước, nhưng ô tô điện còn gặp hai khó khăn phải chinh phục: mạng lưới trạm sạc, chủ yếu là sạc nhanh, còn quá thưa; và giá xe còn quá cao.

Thật ra, khi đạt được khoảng cách 400km, yếu tố chính cần giải quyết là mật độ trạm sạc vì giá sẽ giảm khi đi vào sản xuất đại chúng. Trước vấn đề này, trong buổi khai mạc, bà Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolène Royal đã tuyên bố nước Pháp sẽ được trang bị một triệu điểm sạc trước năm 2020. Nhiều quốc gia châu Âu cũng có những kế hoạch đầu tư tương tự hoặc quan trọng hơn.

Nhưng cho đến nay, thị trường ô tô điện không cất cánh được. Với tổng thị trường thế giới gần 100 triệu xe năm 2016, ô tô điện chỉ đạt 500.000, chủ yếu tập trung ở ba vùng Trung Quốc - châu Âu - Mỹ. Điểm đáng chú ý là sự phát triển của thị trường này được bơm bởi các chính sách trợ cấp (khoảng 150-250 triệu đồng/xe cho người mua). Khi Đan Mạch giảm ưu đãi thuế ô tô điện, thị trường sụt xuống 60% giữa tháng 1 và 4-2017 và số lượng ô tô điện bán giảm 4,7% quí 1-2017 vì Trung Quốc siết lại chính sách trợ cấp các loại xe sạch. Điều này chứng tỏ rằng công nghiệp ô tô điện chưa tự lực cánh sinh được.

Khác nhau ở tầm nhìn

Hai thông tin trên thể hiện bối cảnh hiện tại của ngành ô tô điện thế giới. Nhận định rằng ô tô điện là giải pháp lâu dài duy nhất để giải quyết hàng loạt các vấn đề cố hữu của ngành giao thông, từ việc nhiên liệu dần cạn kiệt cho đến bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải…, các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật và các nước châu Âu đã đặt phát triển ô tô điện trong kế hoạch chiến lược, một mặt hỗ trợ các chương trình nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến ô tô điện như bình ắc quy, điện tử công suất, … và mặt khác trực tiếp tham gia vào các chương trình xây dựng những mạng lưới nạp điện, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường. Các tập đoàn ô tô quốc tế cũng đặt ô tô điện trong kế hoạch chiến lược của mình.

Việc đổi từ ô tô dùng năng lượng dầu mỏ sang điện năng đòi hỏi một giai đoạn chuyển tiếp, trong đó sẽ có nhiều đột phá trong nhiều lĩnh vực. Giai đoạn này có thể sẽ có những đảo lộn trong công nghiệp ô tô thế giới như sự xuất hiện của Tesla.

Nhưng đối với người tiêu thụ, ô tô điện hiện nay có những điểm yếu so với xe xăng: giá cao hơn, luôn lo sợ bình hết điện giữa đường vì thời gian nạp lâu và phải may mắn mới tìm được ổ nạp trên đường. Theo những nhà phân tích, trong 20 năm tới, ô tô điện chỉ giới hạn vào thị trường "xe thứ hai" của mỗi gia đình, và do đó chỉ giới hạn vào các nước giàu. Thêm một yếu tố khác có ảnh hưởng đến sự phát triển ô tô điện là giá dầu mỏ, nếu giá một baril lên tới 100 đô la Mỹ có thể gây sốc tâm lý có lợi cho các xe sạch (giá hiện tại là 50 đô la Mỹ).

Việt Nam nên phát triển công nghiệp ô tô điện?

Thiết kế và sản xuất ô tô điện đơn giản hơn so với xe động cơ đốt trong. Do đó, xây dựng công nghiệp ô tô điện Việt Nam có thể vừa tầm tay của chúng ta hơn. Nhưng thị trường thế giới còn quá yếu và Việt Nam chưa hội đủ điều kiện phát triển, công nghiệp ô tô điện sẽ không có đầu ra.

Dưới góc nhìn này, đầu tư vào công nghiệp ô tô điện, trong giai đoạn hiện tại, không phải là loại đầu tư thương mại, điển hình là các tập đoàn ô tô đã bỏ ra nhiều tỉ đô la từ hơn mười năm nhưng chưa lấy lại vốn. Kế hoạch phát triển công nghiệp này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nhà Nước vì ô tô điện là một sản phẩm tiêu thụ nằm trong những lĩnh vực chiến lược của thế kỷ 21 như công nghệ tích lũy điện nặng, công nghệ điều khiển, cơ điện tử,…

Tin mới lên