Tài chính quốc tế

Sắp diễn ra 'cuộc chiến' đường sắt tốc độ cao mới

Trung Quốc và Nhật Bản lại chuẩn bị bước vào "cuộc chiến" mới khi Thái Lan và Malaysia đang chuẩn bị khởi động đàm phán xây dựng tuyến đường sắt dài 1500 km kết nối thủ đô hai nước và khu vực.

Sắp diễn ra 'cuộc chiến' đường sắt tốc độ cao mới

Trung Quốc và Nhật Bản sẽ phải cạnh tranh nhau. Ảnh minh họa

Arkhom Termpittayapaisiht, Bộ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan chia sẻ với tờ Nikkei Asian Review rằng ông hy vọng sẽ sớm gặp mặt người đồng cấp Malaysia. "Chúng tôi sẽ thảo luận về cách thu hút các quốc gia khác tham gia vào dự án, như "Trung Quốc hoặc Nhật Bản" hay "Trung Quốc và Nhật Bản," ông nói. "Nhưng Malaysia dường như ưu ái Trung Quốc hơn."

Tuyến đường Bangkok-Kuala Lumpur là một bộ phận lớn trong kế hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt xuyên châu Á - ý tưởng ban đầu được cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đề xuất trong một cuộc họp năm 1995 giữa lãnh đạo nhiều nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Ý tưởng của ông là xây dựng một hệ thống đường sắt chạy từ Singapore qua Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Việt Nam và Lào để tới thành phố Côn Minh phía nam Trung Quốc.

Phần lớn hệ thống đường sắt hiện có đã cũ và không phù hợp cho tàu chạy tốc độ cao. Công tác hiện đại hóa đang được tiến hành để cải thiện tính di động của người và hàng hóa cũng như thúc đẩy kinh tế khu vực.

"Các thành phố ASEAN cần được kết nối với nhau bằng đường sắt tốc độ cao," ông Arkhom nhận định. 

Sự tham gia của Trung Quốc

Hiện nay, ý tưởng xây đường sắt cao tốc khá tương đồng với sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của chủ tịch Tập Cận Bình, với mục tiêu tạo một hành lang kinh tế từ châu Á sang châu Âu bằng cách phát triển các tuyến đường trên bộ và trên biển.

Sự tham gia của Trung Quốc trong mạng lưới giao thông khu vực đang tăng lên. Một tuyến đường sắt nối giữa Côn Minh và thủ đô Vientiane của Lào hiện đang được xây dựng. Tuyến đường này sẽ kết nối với một tuyến đường khác mà Trung Quốc tham gia xây dựng, kết nối tỉnh Nong Khai ở biên giới Thái Lan với thủ đô Bangkok.

Thật khó tưởng tượng rằng Bắc Kinh sẽ không chú ý nếu Thái Lan và Malaysia tìm sự giúp đỡ cho kế hoạch xây đường sắt tốc độ cao. 

Nhật Bản cũng rất mong xuất khẩu công nghệ tàu tốc hành shinkansen của mình. Tàu shinkansen đã được đưa vào sử dụng ở Đài Loan và nhiều thỏa thuận xây dựng hệ thống tàu điện này tại Ấn Độ, Thái Lan cũng đã được ký kết. 

Tuy nhiên, trong năm 2015, Nhật Bản đã để thua Trung Quốc trong cuộc đua giành dự án xây dựng đường sắt cao tốc của Indonesia.

Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang ganh đua giành quyền xây dựng đường sắt Singapore-Kuala Lumpur, tuyến đường sắt cao tốc xuyên biên giới đầu tiên ở Đông Nam Á. 

Chính phủ Singapore và Malaysia đã đồng ý cho tuyến đường sắt dài 350km bắt đầu đi vào vận hành vào năm 2026. Tuyến đường sắt Kuala Lumpur-Bangkok được đề xuất sẽ mở rộng mạng lưới đường sắt qua bán đảo Mã Lai.

Hiện nay, chạy trên tuyến đường này vẫn là những đoàn tàu hỏa tốc độ thấp di chuyển trên đường ray khổ 1​m. Theo ông Arkhom, tàu hỏa cao tốc sẽ đòi hỏi xây dựng đường ray tiêu chuẩn rộng 1,4m.

"Nhưng nếu chúng ta không thể đầu tư nhiều, chúng ta sẽ phát triển từ đường ray khổ ​1m hiện nay," ông cho biết. Như kế hoạch hành động chính, ông Arkhom cho biết Thái Lan đang tìm cách điện hóa những đoàn tàu chạy bằng dầu diesel di chuyển giữa thành phố Hat Yai miền nam và Kuala Lumpur trong năm nay. "Chúng tôi chỉ có nguồn lực hạn chế," ông nói.

Shinkansen "quá đắt"

Thái Lan hiện đang có hai dự án đường sắt cao tốc khác đang được tiến hành, và vốn đầu tư đang là một vấn đề đau đầu thường trực.

Đối với dự án shinkansen, ông Arkhom cho biết Thái Lan đang lên kế hoạch đề xuất phía Nhật Bản chung vai góp vốn đầu tư thông qua một liên doanh.

Dựa trên các nghiên cứu của Nhật Bản, chi phí dự kiến ​​cho toàn bộ 670km đường sắt nối Bangkok và Chiang Mai được ước tính vào khoảng 500 tỷ baht (14,2 tỷ USD), khoản chi phí mà Arkhom mô tả là "quá đắt."

Trong khi đó dự án đường sắt do Trung Quốc tài trợ kết nối biên giới với Lào và thủ đô Bangkok của Thái Lan trải dài 873km, nhưng dự kiến chỉ tốn 379 tỷ baht.

"(Kế hoạch của) Nhật Bản được xây dựng theo các tiêu chuẩn Nhật Bản nhưng... (tuyến đường sắt này) không ở Nhật Bản và chúng tôi cũng không có nhiều tiền như người Nhật", ông Arkhom chia sẻ. Ông lập luận rằng phía Nhật Bản cần thỏa hiệp về các tiêu chuẩn khác ngoài sự an toàn để "dự án trở thành hiện thực tại quốc gia này."

Theo ông, một liên doanh sẽ là "giải pháp đôi bên cùng có lợi." Tỷ lệ đầu tư sẽ được thảo luận kỹ hơn. "Để đảm bảo rằng chúng ta có thể sở hữu công nghệ (shinkansen) mãi mãi, tại sao không tham gia và cùng điều hành dự án với nhau?"

Công tác thi công được dự kiến sẽ diễn ra theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 kết nối Bangkok và Phitsanoluk với quãng đường 380km sẽ khởi công vào năm 2019. Giai đoạn 2 được dự kiến sẽ bắt đầu sau đó 1 năm. Toàn bộ tuyến đường sẽ được hoàn thành vào năm 2023.

Trong khi đó, dự án hợp tác Trung Quốc-Thái Lan sẽ khởi động vòng đấu thầu đầu tiên vào tháng 3. Tuy nhiên, hoạt động đấu thầu này sẽ chỉ hướng đến việc xây dựng 3.5km đầu tiên của toàn tuyến đường. "Nếu muốn thấy dự án được tiếp tục, chúng ta cần bắt đầu từ những phần công việc nhỏ," ông Arkhom cho hay.

Năm ngoái chính phủ Thái Lan cho biết sẽ tự mình tài trợ cho dự án, tập trung vào đoạn 250km giữa Bangkok và thành phố Nakhon Ratchasima miền đông bắc, sau khi không đạt được thỏa thuận về lãi suất vốn vay với Trung Quốc.

Ông Arkhom cho biết 620km còn lại từ Nakhon Ratchasima tới Nong Khai vẫn còn nằm trên bàn đàm phán. "Chúng tôi phải tiếp tục duy trì dự án này như đã hứa, mặc dù có thể sẽ có một vài sự chậm trễ."

Các cuộc đàm phán vay vốn từ Trung Quốc cũng sẽ được tiếp tục. Thỏa thuận mới nhất đạt được là Trung Quốc sẽ cho Thái Lan vay vốn để nhập khẩu vật liệu cho xây dựng đoạn đường sắt Bangkok-Nakhon Ratchasima. 

Tuy nhiên, lãi suất vốn vay vẫn cao hơn so với lãi suất của các tổ chức tài chính khác như Ngân hàng Phát triển châu Á, với lãi suất mới nhất là 2.3% cho các khoản vay bằng Nhân dân tệ hay USD.

Ngoài ra, ông Arkhom cho biết Trung Quốc đang yêu cầu các quyền phát triển đất đai dọc đường sắt cũng như thỏa thuận cho phép Trung Quốc được nhượng các dự án phát triển khác nếu dự án đường sắt không thành công. "Chúng tôi không đồng ý," ông Arkhom nói. "Dự án là ở Thái Lan và chúng tôi có toàn quyền với nó. Họ không thể hưởng lợi ích của dự án".

Tin mới lên