Tài chính

Sắp lên sàn, Petrolimex báo lãi kỷ lục 6.300 tỷ trong năm 2016

(VNF) – Petrolimex báo lãi trước thuế kỷ lục 6.300 tỷ đồng trong năm 2016, tăng tới 48,7% so với năm 2015. Việc tỷ lệ giá vốn trên doanh thu của Petrolimex giảm đáng kể trong năm 2016 cho thấy tập đoàn này đang tận dụng nhiều hơn vị thế thống trị của mình.

Sắp lên sàn, Petrolimex báo lãi kỷ lục 6.300 tỷ trong năm 2016

Petrolimex báo lãi trước thuế kỷ lục 6.300 tỷ đồng trong bối cảnh tập đoàn này sẽ lên sàn chứng khoán vào năm 2017

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016, theo đó, doanh thu thuần năm 2016 của Petrolimex đạt 123.097 tỷ đồng, giảm 16,2% so với năm 2015.

Mặc dù doanh thu giảm đáng kể nhưng lợi nhuận gộp của Petrolimex lại tăng 7,1%, đạt 14.130 tỷ đồng. Nguyên nhân là do tỷ lệ giá vốn trên doanh thu của Petrolimex giảm khá mạnh từ mức 91% của năm 2015 xuống còn 88,5%, cho thấy Petrolimex đang tận dụng nhiều hơn vị thế thống trị thị trường của mình.

Hiện Petrolimex đang chiếm khoảng 50% thị phần ngành xăng dầu toàn quốc, trong khi theo quy định của Luật cạnh tranh, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường khi có thị phần trên 30%.

Thực tế, dù mang danh là không độc quyền mà chỉ là "thống lĩnh thị trường", nhưng thật ra Petrolimex vẫn luôn ở thế độc quyền.

Cơ sở của nhận định này là không thiếu. Theo kết luận thanh tra mới nhất của Thanh tra Chính phủ đối với Petrolimex, khi xây dựng giá cơ sở để quyết định giá bán lẻ xăng dầu, Petrolimex và Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã đưa chi phí vận tải và chi phí bảo hiểm vào giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo mức cố định, thiếu cơ sở, cao hơn chi phí thực tế của Petrolimex.

Kết quả, năm 2016, lãi trước thuế của Petrolimex đạt mức kỷ lục 6.300 tỷ đồng, tăng tới 48,7% so với năm 2015 và là mức lãi cao nhất trong lịch sử của tập đoàn này.

Petrolimex

Petrolimex đang tận dụng nhiều hơn vị thế thống trị thị trường xăng dầu của mình

Tính đến hết ngày 31/12/2016, tổng tài sản của Petrolimex đạt mức 54.238 tỷ đồng, tăng 6,6% so với hồi đầu năm, trong đó, tài sản cố định tiếp tục chiếm tỷ trọng tài sản lớn nhất với 15.711 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lượng tiền và các khoản tương đương tiền của Petrolimex hiện đã lên đến 11.394 tỷ đồng, đó là chưa kể đến 2.433 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và 239 tỷ đồng tiền gửi dài hạn, phần nào phản ánh Petrolimex đang "dư dả" tới mức nào.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu tính đến hết năm 2016 của Petrolimex đạt mức 23.203 tỷ đồng, tăng 39,2% so với đầu năm. Trong khi đó, nợ phải trả của tập đoàn này đạt 31.034 tỷ đồng, giảm 9,3%, trong đó, tổng nợ vay (cả ngắn hạn và dài hạn) đạt 9.859 tỷ đồng, giảm mạnh 37%.

Như vậy, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Petrolimex lần lượt là 1,34 lần và 0,42 lần, đều nằm sâu trong ngưỡng an toàn.

Dự kiến, Petrolimex sẽ tiến hành lên sàn chứng khoán trong năm 2017.

Tin mới lên