Tài chính quốc tế

Sau cú 'sảy chân', vốn hóa thị trường của Facebook 'bốc hơi' hơn 130 tỷ USD

(VNF) - Facebook vừa công bố báo cáo doanh thu quý II năm 2018, và các con số trong báo cáo khiến nhiều nhà đầu tư "vỡ mộng", bán tháo cổ phiếu. Chỉ sau cuộc họp báo, hơn 130 tỷ USD vốn hóa thị trường của Facebook đã bị "xóa sổ".

Sau cú 'sảy chân', vốn hóa thị trường của Facebook 'bốc hơi' hơn 130 tỷ USD

CEO Facebook Mark Zuckerberg.

Cổ phiếu của Facebook đã giảm tới 24%, xuống dưới mức 170 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch mở rộng. Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh mẽ này là do Facebook đã không đạt được chỉ tiêu doanh thu cho quý II, và số lượng người dùng ở châu Âu cũng được ghi nhận là ít hơn đáng kể so với quý trước đó.

Giá trị vốn hóa thị trường của Facebook ở thời điểm mở cửa ngày 26/7 được dự đoán sẽ rơi xuống dưới 500 tỷ USD, dựa trên mức giá thấp nhất ngoài giờ giao dịch. Vốn hóa thị trường của công ty này ở thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/7 là 629,8 tỷ USD. Như vậy, chỉ sau một cuộc họp báo, giá trị của trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã "bốc hơi” hơn 130 tỷ USD.

Giám đốc tài chính David Wehner cho biết các cổ đông của Facebook có thể kỳ vọng "tỷ lệ tăng trưởng doanh thu cho quý thứ ba và thứ tư sẽ giảm tương đối so với các quý trước đây".

Wehner cho biết: “Chúng tôi dự định phát triển và quảng bá những trải nghiệm hấp dẫn nhất định như mục Câu chuyện (Stories) hiện có mức độ tạo doanh thu thấp hơn. Chúng tôi cũng cung cấp cho những người dùng nhiều lựa chọn hơn về bảo mật dữ liệu. Hy vọng điều này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu của Facebook trong thời gian tới”. Ông cũng cho biết sự biến động của tiền tệ sẽ làm tổn thương giá cổ phiếu trong nửa cuối năm nay.

Wehner cũng cho biết công ty dự kiến ​​lợi nhuận biên thu hẹp hơn, còn khoảng 35%. Trong quý II, lợi nhuận biên từ hoạt động kinh doanh là 44%. Giám đốc tài chính của Facebook cho biết đây là kết quả của việc mở rộng thị trường, đầu tư vào các sản phẩm tin tức, và sự gia tăng của chi phí vốn liên quan đến an toàn và an ninh lên tới "hàng tỷ USD".

"Chúng tôi cho rằng đó là điều phải làm trong việc đảm bảo tính cộng đồng, an toàn và độ bền của thương hiệu", ông nói. "Dĩ nhiên, hiện tại những khoản chi đó chưa thể biến thành lợi nhuận."

Facebook đã thực hiện một số thay đổi chính sách quyền riêng tư trong những tháng gần đây trong bối cảnh vụ bê bối về dữ liệu người dùng liên quan đến Cambridge Analytica. Chính scandal này đã thúc đẩy Liên minh châu Âu hoàn thiện và đưa vào áp dụng Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) - một bộ quy tắc cho phép người dùng có thể kiểm soát dữ liệu trực tuyến của họ nhiều hơn.

Mark Zuckerberg trong phiên điều trần kín với cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu

Báo cáo doanh thu của công ty cho thấy, lưu lượng người sử dụng Facebook mới ở châu Âu trong quý II giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua, chỉ đạt 22 triệu tài khoản mỗi ngày. Lượng người dùng Facebook còn hoạt động cũng giảm hẳn từ sau sự cố lộ thông tin người dùng của mạng xã hội này, từ 282 triệu của quý trước xuống 279 triệu người.

Không chỉ khó khăn ở châu Âu, ngay tại “sân nhà” Bắc Mỹ, Facebook cũng ghi nhận số lượng người dùng đứng nguyên ở mức 185 triệu. Con số này dường như không thay đổi nhiều suốt từ quý III 2017 đến nay, theo dữ liệu của Facebook. Đây là một tin không hay cho Facebook, khi một người dùng trung bình ở Mỹ và Canada tạo ra 25,91 USD lợi nhuận cho công ty này trong quý trước, cao gấp 3 lần so với doanh thu ở châu Âu.

Tin mới lên