Ngân hàng

Sau lãi vay ngắn hạn, lãi vay trung và dài hạn có thể tiếp bước giảm

(VNF) - Thống đốc cho biết, nhiều ngân hàng đã áp dụng chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất 5-6,5% và sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay một số chương trình trung dài hạn với lĩnh vực ưu tiên xuống 8%.

Sau lãi vay ngắn hạn, lãi vay trung và dài hạn có thể tiếp bước giảm

Lãi suất cho vay một số chương trình trung dài hạn với lĩnh vực ưu tiên sẽ giảm xuống 8%/năm.

Ngày 18/7, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết các giải pháp điều hành vĩ mô tổng thể những năm qua là rất trúng, nhờ đó nguồn lực ngoại tệ đã chuyển hóa thành VND.

Chẳng hạn năm 2016, NHNN đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, một phần lớn là từ ngoại tệ nắm giữ trong dân, qua đó chuyển thành đồng Việt Nam và được người dân đưa trực tiếp một phần vào sản xuất kinh doanh, phần khác gửi vào các ngân hàng thương mại.

"Chúng tôi cho rằng đây là giải pháp huy động nguồn lực tốt nhất trong điều kiện của chúng ta mà vẫn giữ được ổn định vĩ mô, không để những biến động ngoài tầm kiểm soát. Ngay cả với vàng, trong những năm qua chúng ta không mất ngoại tệ để nhập vàng, người dân cũng không đổ nguồn lực mua vàng như trước nữa, chuyển hóa nguồn lực vào nền kinh tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ các giải pháp cụ thể huy động các nguồn lực nhưng làm sao bảo đảm ổn định", Thống đốc khẳng định.

Thống đốc cũng cho biết, vừa qua sau khi NHNN có quyết định thì nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất 0,5% cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên. Nhiều ngân hàng đã áp dụng chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất 5-6,5%; sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay một số chương trình trung dài hạn với lĩnh vực ưu tiên xuống 8% và lãi suất cho vay ngắn hạn với khách hàng tốt từ 4-5%.

Đến ngày 30/6, tín dụng với nền kinh tế đã tăng 9,06%, cao hơn cùng kỳ 2015, 2016. Thống đốc khẳng định cơ cấu tín dụng chuyển dịch rất tốt, tập trung vào sản xuất kinh doanh, trong đó tín dụng cho một số ngành trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung như nông nghiệp nông thôn tăng 9,9%, công nghiệp tăng 10,34%. Những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát rất chặt thông qua giám sát, cảnh báo từ xa và kiểm tra tại chỗ.

"Tín dụng có thể tăng như chỉ đạo của Chính phủ là từ 18-20%, nhưng phải kiểm soát được ổn định vĩ mô, bảo đảm chất lượng tăng trưởng tín dụng, đưa tín dụng vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên. NHNN sẽ linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến vĩ mô", Thống đốc cho biết.

Thống đốc Lê Minh Hưng

Thống đốc Lê Minh Hưng (trái) phát biểu tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng

Riêng với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đến nay các ngân hàng đã cam kết cho vay 120 nghìn tỷ, giải ngân gần 33 nghìn tỷ. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm rất vướng liên quan tới thế chấp tài sản trên đất.

Về sở hữu chéo, trong dự thảo đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng, NHNN đã báo cáo rất rõ hiện trạng. Trong đó có trường hợp như Vietcombank hiện còn sở hữu cổ phần ở một số ngân hàng là để tạo thuận lợi cho tái cơ cấu các ngân hàng này, tuy nhiên vẫn phải thoái vốn theo quy định.

"Chúng tôi đã yêu cầu các ngân hàng khẩn trương thực hiện, chủ trương đã rất quyết liệt và rõ ràng, nhưng việc này phụ thuộc nhiều vào điều kiện khách quan như tìm đối tác, giá thị trường…", Thống đốc khẳng định.

NHNN đã trình Thủ tướng các giải pháp triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, sau khi được phê duyệt, NHNN sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc ngành ngân hàng để quán triệt. Đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay và những năm tới.

Riêng với việc thực hiện Nghị định 67 về cho ngư dân vay đóng tàu, Thống đốc kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT khẩn trương tổng kết việc thực hiện chủ trương rất đúng nhưng hiện có nhiều vướng mắc này. Còn NHNN đã báo cáo, kiến nghị đầy đủ về các bất cập và hướng xử lý.  

Tại buổi làm việc, lãnh đạo NHNN cũng nêu rõ nguyên nhân chậm trễ 5 nhiệm vụ trong tổng số 477 nhiệm vụ được giao tính từ đầu năm 2016 tới nay, gồm việc xây dựng chiến lược phát triển ngành ngân hàng tới năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đề xuất tăng vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi; và 3 nhiệm vụ được giao trong các văn bản mật.

Tin mới lên