Tài chính quốc tế

Sau hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, Washington tiếp tục ‘bơm’ 200 triệu USD cho Ukraine

(VNF) - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 20/7 cho biết sẽ dành 200 triệu USD từ ngân sách để viện trợ cho quân đội Ukraine. Kể từ tháng 2/2014, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine hơn 1 tỷ USD nhằm hỗ trợ an ninh cho quốc gia này.

Sau hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, Washington tiếp tục ‘bơm’ 200 triệu USD cho Ukraine

Kể từ tháng 2/2014, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine hơn 1 tỷ USD nhằm hỗ trợ an ninh cho quốc gia này.

"Các quỹ bổ sung cung cấp thiết bị để hỗ trợ các chương trình đào tạo và nhu cầu tác chiến liên tục, bao gồm khả năng tăng cường chỉ huy và kiểm soát Ukraina, hệ thống cảnh báo tình huống, liên lạc an toàn, di chuyển quân sự, tầm nhìn ban đêm và chăm sóc y tế quân sự" - AFP dẫn thông tin từ Lầu Năm Góc.

Theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, Ukraine hoàn toàn đủ điều kiện để nhận khoản viện trợ khi mới dây nước này đã thông qua đạo luật an ninh quốc gia, trong đó đề ra các bước đi để nước này gia nhập NATO.

Theo ông Heather, khoản viện trợ của Mỹ sẽ "làm sâu sắc hơn mối quan hệ của Ukraine với phương Tây".

Thông báo này của Mỹ được đưa ra vài ngày sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Trước đó, chính quyền Hoa Kỳ đã chấp thuận cung cấp vũ khí cho Kiev, bao gồm cả hệ thống tên lửa phòng không cầm tay Javelin. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố, rằng Kiev dự kiến sẽ được nhận vũ khí của Mỹ vào năm 2018.

Hồi tháng 9/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng lên tiếng cảnh báo rằng, bất kỳ quyết định nào của chính quyền Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ khiến xung đột ở khu vực miền Đông Ukraine thêm phức tạp.

Tháng 2/2014, một cuộc nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn đã lật đổ chính quyền thân Nga của Tổng thống Ukraine Viktor Fedorovych Yanukovych, khiến làn sóng biểu tình ủng hộ thân Nga diễn ra ở đông và nam Ukraine. Bán đảo Crimea của Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý với kết quả là sáp nhập vào Nga.

Phong trào đòi ly khai tại đông Ukraine biến thành nổi dậy vũ trang. Phiến quân thân Nga chiến đấu dữ dội với quân chính phủ Ukraine cho đến khi hai bên ký lệnh ngừng bắn ở Minsk năm 2015. Thỏa thuận này giúp giảm giao chiến nhưng không phải là giải pháp chính trị lâu dài.

Mới đây, theo thông báo của bộ phận truyền thông Tập đoàn nhà nước Ukroboronprom của Ukraine, nhà máy "Impul’s", trực thuộc Tập đoàn, đã bắt đầu sản xuất hàng loạt đạn dược theo tiêu chuẩn của NATO.

Vào tháng 6/2016, quốc hội Ukraine đã thông qua những thay đổi bổ sung xác định việc gia nhập NATO là mục tiêu chính sách đối ngoại của đất nước. Ukraine cũng lên kế hoạch đến năm 2020 sẽ đảm bảo để lực lượng vũ trang nước này có khả năng tương thích đầy đủ với lực lượng của các nước liên minh.

Xem thêm >> Google lĩnh ‘đòn đau’ từ EU, ông Trump lên án gay gắt

Tin mới lên