Tài chính

SBT 'rộng cửa' chiếm một nửa thị phần đường trong nước

(VNF) - SBT đang có những sách lược rất rõ ràng nhằm đánh chiếm thị trường đường trong nước, trong bối cảnh yếu tố vĩ mô bất ngờ thuận lợi.

SBT 'rộng cửa' chiếm một nửa thị phần đường trong nước

SBT 'rộng cửa' chiếm một nửa thị phần đường trong nước

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa đưa ra báo cáo nhận định về Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (HoSE: SBT) với nhiều nhận định đáng chú ý.

Phân tích về thị trường đường nói chung, BVSC cho rằng việc hoãn thực thi Hiệp định Thương mại Hàng hóa các nước ASEAN (ATIGA) với ngành Đường tới 2020 và kỳ vọng giá đường hồi phục sẽ hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh đường trong ngắn hạn.

Trước đó, theo cam kết ATIGA, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường có nguồn gốc sản xuất trong khu vực từ năm 2018 và sau 2 năm mức thuế nhập khẩu mặt hàng đường sẽ giảm về 0% từ mức 5%.

Tuy nhiên, Chính phủ vừa qua đã ưu tiên gia hạn việc thực thi Hiệp định ATIGA trong lĩnh vực đường đến năm 2020; từ đó giúp các Doanh nghiệp sản xuất trong nước có thêm thời gian để cải tiến sản xuất, từ đó giảm giá thành và nâng cao tính cạnh tranh so với đường nhập khẩu, đặc biệt là đường Thái.

Trước đây, giá xuất khẩu tại cảng của đường Thái Lan luôn thấp hơn giá bán buôn đường tại Việt Nam khoảng 3.000-5.000 VND/kg và cao hơn chính giá bán buôn đường nội địa Thái Lan trung bình 30%. Tuy nhiên, trong tháng 1/2018, sau các vụ kiện quốc tế liên quan đến bảo hộ, Chính phủ Thái Lan chính thức ngưng áp dụng chính sách giá bán buôn nội địa cố định và phân chia hạn ngạch giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, những yếu tố hỗ trợ chính cho giá xuất khẩu cạnh trạnh trong những năm trước.

Cụ thể, Thái Lan áp dụng mức giá bán nội địa cao nhằm hỗ trợ bù đắp cho phần xuất khẩu với giá thấp. Vì vậy, theo BVSC, khả năng hỗ trợ yếu tố cạnh tranh về giá đối với đường xuất khẩu của Thái Lan sẽ suy giảm.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2018, với ảnh hưởng tâm lý từ Hiệp định ATIGA ngành đường cũng như sự sụt giảm của giá đường thế giới, giá bán buôn đường nội địa tại Việt Nam đã giảm khá mạnh, bình quân 30% so với cùng kỳ.

Do đó, BVSC đánh giá rằng khoảng chênh lệch giữa giá đường Việt Nam và đường nhập khẩu từ Thái Lan đã, đang và sẽ tiếp tục dần được thu hẹp, nâng cao tính cạnh tranh của đường trong nước.

Rabobank dự báo thị trường đường thế giới vẫn trong tình trạng dư cung trong vụ 2018/2019, tuy nhiên sản lượng dư cung sẽ giảm xuống còn 4,4 triệu tấn so với mức 7,6 triệu tấn của niên vụ trước, qua đó giảm áp lực lên giá đường toàn cầu.

Về niên độ tài chính 2018-2019 (1/7/2018 – 30/6/2019), BVSC dự báo doanh thu của SBT sẽ đạt 12.647 tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng 22%, trong đó chủ yếu đóng góp bởi tăng trưởng của ngành đường, đạt 11.065 tỷ đồng (tăng 26%).

BVSC đưa ra 4 yếu tố hỗ trợ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của SBT.

Thứ nhất, nhằm chuẩn bị cho qua trình hội nhập sau ATIGA cũng như cạnh tranh với mặt hàng đường không thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng, SBT dự tính giảm giá bán các sản phẩm truyền thống khoảng 9-10% cũng như cho ra mắt sản phẩm mới với giá bán cạnh tranh hơn.

Thực tế, sản phẩm Biên Hòa Saving của Công ty hiện có giá bán lẻ tại siêu thị là 18.000 VND/túi 1 kg, từ đó thu hẹp khoảng cách với đường không bao bì nhãn mác ngoài thị trường bình quân khoảng 16.000-17.000/kg.

Theo BVSC, mức chênh lệch chỉ còn 1.000-2.000 VND/kg hiện nay bên cạnh lợi thế thương hiệu uy tín, sản phẩm của SBT hoàn toàn có cơ hội thách thức loại đường không nhãn mác bao bì ở kênh truyền thống.

Thứ hai, bên cạnh chính sách giảm giá bán, để tạo lợi thế thị phần đối với kênh tiêu dùng trước ATIGA, SBT dự định tiếp tục phát triển và mở rộng độ phủ sản phẩm trên thị trường bằng cách tận dụng và đẩy mạnh lợi thế kênh phân phối và bán hàng của Công ty Đường Biên Hòa (BHS) sau sáp nhập.

Cụ thể, công ty này có kế hoạch mở rộng hệ thống bán hàng lên con số hơn 60.000 điểm bao gồm cả Kênh truyền thống (cửa hàng tạp hóa) và Kênh hiện đại (Chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi) từ mức 53.000 điểm bán trong niên độ 17/18.

Bên cạnh đó, việc nâng cao hiệu quả tại từng điểm bán hàng cũng được SBT chú trọng bằng cách áp dụng chích sách chiết khấu và bán hàng hấp dẫn hơn, qua đó khuyến khích điểm bán ưu tiên tiêu thụ sản phẩm SBT hơn, đặc biệt là so với các nhãn phẩm đường không bao bì nhãn mác hiện nay.

Thứ ba, việc một số nhà máy đường trong nước hoạt động không hiệu quả và có khả năng phải dừng sản xuất có thể khiến nguồn cung nội địa bị ảnh hưởng, qua đó tạo cơ hội tiêu thụ sản lượng cho các nhà máy còn hoạt động.

Theo ước tính của Hiệp hội Mía đường Việt, toàn quốc có khoảng 41 nhà máy mía với tổng công suất khoảng 150.000 tấn mía/ngày. Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 5/2018, 5 trên số 22 nhà máy có công suất dưới 3.000 tấn mía/ngày (chiếm khoảng 30% năng lực sản xuất nội địa) không có lợi thế quy mô cũng như công nghệ lạc hậu đã phải ngừng hoạt động.

Thứ tư, nhằm chuẩn bị nguồn lực cũng như lợi thế cho ngành đường trong nước trước ATIGA, từ đầu năm đến nay, các Cơ quan Chính phủ cũng như Hiệp hội Mía đường tiếp tục nỗ lực phối hợp đẩy mạnh thực hiện rà soát và ngăn chặn đường lậu, ước tính khoảng 400.000-500.000 tấn hằng năm. Đây là yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp đường nội, trong đó có SBT.

BVSC tính toán lợi nhuận gộp của SBT ước đạt hơn 1.744 nghìn tỷ đồng (tăng 35%) trong niên độ 2018 - 2019, tương đương biên lợi nhuận gộp đạt 13,8%, cải thiện từ mức 12,5% của niên độ 2017 - 2018, chủ yếu do chi phí giá vốn sản xuất đường bình quân giảm nhẹ 1,1% xuống 13.227 VND/kg.

BVSC dự báo SBT sẽ ghi nhận chi phí tài chính ròng khoảng 552 tỷ đồng. Theo chia sẻ, Công ty vẫn đang xem xét đến khả năng tiếp tục ghi nhận một số khoản lợi nhuận bất thường cho niên độ 18/19.

Dựa trên những cơ sở trên, BVSC dự báo lợi nhuận sau thuế của SBT ước đạt 344 tỷ đồng niên độ 2018 - 2019, so với mức 547 tỷ đồng niên độ trước (bao gồm các khoản lợi nhuận bất thường). Do đó, nếu chỉ tính riêng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, lợi nhuận niên độ 2018 - 2019 ước tăng 248% so với cùng kỳ, tương đương EPS dự báo đạt 618 VND.

Về dài hạn, BVSC đánh giá SBT có triển vọng chiếm 50% nhu cầu tiêu thụ nội địa vào năm 2021 nhờ tận dụng lợi thế hệ thống phân phối và kênh bán hàng cùng thương hiệu uy tín, bên cạnh nỗ lực nâng cao tính cạnh tranh của giá bán sản phẩm.

Tin mới lên