Tài chính

SCIC chính thức rút khỏi dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới

(VNF) – SCIC được phép chủ động bán vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư tháp truyền hình Việt Nam – doanh nghiệp được lập ra để làm chủ đầu tư dự án xây tháp truyền hình cao nhất thế giới.

SCIC chính thức rút khỏi dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới

Dự án Tháp truyền hình của VTV chính thức đổ bể (ảnh minh họa)

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 1001 phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đến năm 2020.

Theo phương án này, SCIC được chủ động bán vốn tại 4 doanh nghiệp trong giai đoạn 2017 – 2020, gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam – Oman, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Bảo Việt SCIC và Công ty Cổ phần Đầu tư tháp truyền hình Việt Nam.

Trước đó, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) – một trong 3 đơn vị góp vốn vào dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới - cũng đã có công văn đề nghị thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty trên.

Lý do rút lui của VTV là đơn vị đang cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình. Ngoài ra, dự án cũng chưa được Thủ tướng phê duyệt, chưa triển khai thực hiện.

Như vậy, với việc cả VTV và SCIC cùng rút, dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới đã chính thức đổ bể, khép lại ""mơ ước của không biết bao nhiêu thế hệ những người làm việc tại VTV" trong suốt 2 năm qua.

SCIC chính thức rút khỏi dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới ảnh 1

VTV từng ước mơ xây tháp truyền hình cao nhất thế giới

Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tháp truyền hình Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho VTV và SCIC thành lập vào tháng 2/2015. Công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký cùng năm với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Tập đoàn BRG là đối tác được chọn thêm để thực hiện dự án – với sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án tháp truyền hình dự kiến được xây dựng trên khu đất hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây, sau khi hoàn thành sẽ là công trình tháp biểu tượng cao nhất thế giới, "vượt mặt" tòa tháp Tokyo Skytree của Nhật Bản hiện cao 634m.

Kinh phí đầu tư của dự án theo đề xuất trình Chính phủ lên đến 1,5 tỷ USD, trong đó chỉ riêng phần khối tháp là 900 triệu USD. Theo VTV, khoản tiền này là từ nguồn vốn huy động, vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp của VTV. Về phía SCIC, được lấy từ nguồn vốn kinh doanh theo quy định tại Nghị định 151/2013/NĐ-CP (từ quỹ đầu tư phát triển của SCIC); về phía BRG là từ nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, từ khi mới ra đời, siêu dự án này đã gây tranh cãi và có nhiều ý kiến phản đối việc xây dựng.

Liên quan đến thông tin thoái vốn của SCIC, theo Quyết định 1001, ngoài 4 công ty được bán vốn như đã nêu trên, SCIC còn thực hiện cổ phần hóa và bán vốn tại 5 công ty khác gồm Công ty TNHH Một thành viên Khai thác và Chế biến Đá An Giang; Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư Thương mại Tràng Tiền; Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển HPI; Công ty TNHH Một thành viên In và phát hành biểu mẫu thống kê; TNHH Một thành viên In thống kê TP. HCM.

Hai doanh nghiệp SCIC tiếp tục đầu tư nắm giữ là Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC); Công ty cổ phần Viễn thông FPT.

132 doanh nghiệp thực hiện bán vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020. Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp xử lý theo phương thức đặc thù là Công ty Cổ phần Nuôi và dịch vụ thủy đặc sản Thừa Thiên Huế; Công ty dịch vụ thương mại công nghiệp; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Lợi.

Việc sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC nhằm tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ nhằm đưa doanh nghiệp thực sự trở thành một công cụ, kênh truyền vốn Nhà nước, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.

Tin mới lên