M&A

Sẽ chào bán dự án bột giấy Phương Nam

Tổng nợ và lãi phải trả của dự án Bột giấy Phương Nam tính đến hết 2016 khoảng gần 2.700 tỷ đồng.

Sẽ chào bán dự án bột giấy Phương Nam

Nhà máy bột giấy Phương Nam sẽ được rao bán.

Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo xử lý các dự án, nhà máy yếu kém ngành Công Thương, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xin ý kiến Thủ tướng về tổ chức bán đấu giá dự án Bột giấy Phương Nam. 

Trước đó, tháng 9/2016 Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý về chủ trương bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy.

Theo phương án thẩm định giá trị tài sản của Bộ Công Thương, dự án có giá trị hơn 1.700 tỷ đồng, gồm tổng tài sản và hàng tồn kho. Được xây dựng tại Long An, nhà máy có vốn đầu tư ban đầu gần 1.490 tỷ đồng.

Chủ đầu tư của nhà máy là Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi) thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6. Sau nhiều năm "nâng lên đặt xuống không hoàn thành", tới tháng 6/2009, dự án được chuyển giao từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapco) và được nâng vốn điều lệ lên hơn 3.409 tỷ đồng. Dự án này dừng hoạt động từ 2012 đến nay, và đến hết 2016 tổng nợ và lãi phải trả khoảng 2.695 tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ Công Thương tại cuộc họp cũng cho biết, trong số 12 dự án thua lỗ thì hiện 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã hoạt động ổn định, công suất đạt 75-90%. Khó khăn nhất vẫn nằm ở 5 dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), dù nhiều phương án đã được đưa ra. 

Theo UBND tỉnh Long An, dự án được khởi công năm 2004, tuy nhiên đến tháng 6/2008 thì dừng thi công do thiếu vốn. Tháng 6/2009, dự án được chuyển giao từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco). 

Sau khi tiếp nhận, Vinapaco đã tiến hành lập báo cáo điều chỉnh tăng vốn lên 3.409,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi tiến hành chạy thử, nhà máy đã gặp sự cố do đó từ tháng 10/2012 đến nay, dự án dừng hoạt động.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân khiến nhà máy này phải "đắp chiếu" là do Tracodi thiếu năng lực, kinh nghiệm. Sau khi chuyển về chủ đầu tư mới, dự án cũng không được làm tốt khâu rà soát, đánh giá tình trạng, không lường hết được những khó khăn về công nghệ, khả năng cung cấp nguyên liệu...

Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, tới hết năm 2018, Chính phủ phải giải quyết căn bản các yếu kém của các dự án và tới 2020 hoàn thành việc xử lý các dự án, nhà máy này

Tin mới lên