Tài chính

Sẽ xử lý hình sự trường hợp cố tình khai thiếu tài sản khi cổ phần hóa

(VNF) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo thông tư hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Sẽ xử lý hình sự trường hợp cố tình khai thiếu tài sản khi cổ phần hóa

Ảnh minh họa.

Theo Dự thảo thông tư, các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp không chấp hành đúng chế độ quy định, gây ra tổn thất hoặc thất thoát tài sản Nhà nước thì tổ chức, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm hành chính, bồi thường vật chất, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Dự thảo, trong quá trình kiểm kê tài sản, đối chiếu xác nhận công nợ, tiền vốn các loại, nếu phát hiện có sự kê khai thiếu hoặc bỏ sót các tài sản, tiền vốn dẫn đến giảm giá trị doanh nghiệp và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa, thì giám đốc, kế toán trưởng và các tổ chức, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm bồi hoàn nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; trường hợp cố tình kê khai thiếu hoặc cố tình bỏ sót thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Xác định giá trị thực tế các loại tài sản của doanh nghiệp

Việc xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và các quy định sau: Giá trị thực tế từng loại tài sản của doanh nghiệp được xác định bằng đồng Việt Nam theo danh mục tài sản theo dõi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp.

Đối với tài sản là hiện vật: Chỉ đánh giá lại những tài sản mà công ty cổ phần tiếp tục sử dụng. Giá trị thực tế của tài sản bằng (=) Nguyên giá tính theo giá thị trường tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp nhân (x) Chất lượng còn lại của tài sản tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Tài sản cố định đã khấu hao thu hồi đủ vốn; công cụ lao động, dụng cụ quản lý đã phân bổ hết giá trị vào chi phí kinh doanh nhưng công ty cổ phần tiếp tục sử dụng phải đánh giá lại để tính vào giá trị doanh nghiệp theo nguyên tắc không thấp hơn 20% giá trị tài sản, công cụ, dụng cụ mua mới.

Đối với doanh nghiệp cổ phần hóa có tài sản hiện vật là rừng trồng, vườn cây, khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa thì giá trị rừng trồng, vườn cây được xác định theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 22/4/2015 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

Tài sản bằng tiền gồm tiền mặt, tiền gửi và các giấy tờ có giá (tín phiếu, trái phiếu,...) của doanh nghiệp được xác định như sau: Tiền mặt được xác định theo biên bản kiểm quỹ; tiền gửi được xác định theo số dư đã đối chiếu xác nhận với ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản; các giấy tờ có giá được xác định theo giá giao dịch trên thị trường. Nếu không có giao dịch thì xác định theo mệnh giá của giấy tờ đó...

Bạn đọc có thể xem toàn văn Dự thảo Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân tại đây.

Tin mới lên