Nhân vật

Sếp FPT kể chuyện phần mềm soạn thảo tiếng Việt đầu tiên nhân đề xuất cải cách chữ viết gây tranh cãi

(VNF) - Ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc FPT vừa có bài viết kể lại câu chuyện viết phần mềm soạn thảo tiếng Việt đầu tiên năm 1984, nhân câu chuyện cải cách chữ Việt đang gây tranh cãi.

Sếp FPT kể chuyện phần mềm soạn thảo tiếng Việt đầu tiên nhân đề xuất cải cách chữ viết gây tranh cãi

VietnamFinance xin giới thiệu bài viết của ông như một góc nhìn rất đáng chú ý của một doanh nhân về một vấn đề còn lớn lao hơn cả câu chuyện cải cách chữ Việt: tính sáng tạo và không gian sáng tạo của người Việt.

"Theo hiểu biết của tôi thì PGS TS Đào Hữu Chí và tôi là là hai người Việt Nam trong nước đầu tiên viết ra phần mềm soạn thảo, in ấn tiếng Việt trên máy tính đặt tên là EDVN (Edit Việt Nam-1984).

Không phải tôi giỏi giang gì, thuần tuý chỉ là may mắn. Tôi may mắn được về bộ Tổng tham mưu, nơi có 6 chiếc máy tính PC đầu tiên của Việt Nam (cùng với 6 chiếc của UBKHKT nhà nước). Vì thế tôi có điều kiện thực hành hơn các đồng nghiệp.

Với công nghệ năm 1984-1985, chúng tôi phải tự vẽ bộ font chữ Việt và nạp vào EPROM. Mỗi một máy tính muốn soạn thảo và in ấn tiếng Việt phải thay thế con EPROM và dùng hệ soạn thảo EDVN.

Một trong những vấn đề nan giải là là gõ tiếng Việt trên bàn phím như thế nào? So với tiếng Anh, tiếng Việt có thêm 31 chữ cái mới, trong khi bàn phím thì hữu hạn.

Thời kỳ đầu chúng tôi chọn phương án dùng hàng "chữ số" kết hợp với các phím SHIFT, ALT để gõ chữ tiếng Việt. Theo thời gian, có thêm nhiều hệ soạn thảo tiếng Việt, mỗi hệ lại qui định cách gõ bàn phím khác nhau. Sau nhiều hội thảo, tất cả đi đến thống nhất chọn cách gõ TELEX để gõ tiếng Việt cho người Việt Nam cả trong nước lẫn nước ngoài (gõ TELEX chính là cách gõ tiếng Việt mà ngày nay tất cả chúng ta đang dùng).

Trước năm 1984, trên máy tính không có tiếng Việt, chỉ có bộ chữ tiếng Anh, người Việt Nam dùng tiếng Việt không dấu. Những nội dung thông thường, chữ Việt không dấu không có vấn đề lớn, nhưng những dữ liệu về họ và tên, địa chỉ dễ gây ra nhầm lẫn.

Để tránh nhầm lẫn người ta qui ước Họ và tên, địa chỉ gõ, hiển thị và lưu chữ bằng chữ TELEX. Ví dụ ĐỖ CAO BẢO sẽ là DDOOX CAO BAOR, HÀ NỘI sẽ là HAF NOOIJ, "Đề xuất cải tiến tiếng Việt" sẽ là "DDEEF XUAATS CAIR TIEENS TIEENGS VIEETJ".

Ngày nay các bạn trẻ đọc chữ Telex này thấy khó đọc, thấy rắc rối, nhưng thế hệ chúng tôi hầu hết đều đọc thành thạo chữ Telex này, bởi nó chính là ngôn ngữ mà ông bà chúng ta gửi điện tín cho nhau, các ngân hàng gửi các lệnh thanh toán tiền (cả nội địa và quốc tế).

Vì đã trải qua giai đoạn trăn trở với tiếng Việt, nên bây giờ nghe đề xuất cải tiến tiếng Việt của PGS.TS. Bùi Hiền, tôi thấy rất bình thường, mặc dù tôi nghĩ rằng rất nhiều cải tiến của PGS.TS Bùi Hiền là chưa phù hợp, chưa tối ưu, chưa thuyết phục và rất khó được thông qua.

Tuy nhiên tôi nhận thức sâu sắc rằng: một cá nhân, một tổ chức, một quốc gia muốn phát triển, muốn giàu có thì phải có tinh thần sáng tạo. Tinh thần sáng tạo được hiểu là:

1. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân sáng tạo

2. Tôn trọng mọi đề xuất cải tiến, sáng tạo

3. Lắng nghe mọi đề xuất cải tiến, sáng tạo

4. Xem xét một cách vừa khoa học, cẩn trọng vừa mở lòng với những đề xuất cải tiến, sáng tạo.

Các bạn thử đối chiếu cá nhân mình, tổ chức mình xem có phải là người, là tổ chức sáng tạo không?

Căn cứ vào dư luận về đề xuất cải tiến chữ Việt của PGS.TS. Bùi Hiền, tôi thấy Việt Nam không phải là một đất nước sáng tạo, bởi có quá ít người có tinh thần sáng tạo; rất nhiều, rất nhiều người đã thiếu mất tố chất tôn trọng, thiếu mất tố chất lắng nghe".

Mới đây, PGS. TS. Bùi Hiền đã đưa ra đề xuất cải cách chữ viết tại một hội thảo ngôn ngữ, theo đó cách viết tiếng Việt sẽ thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải phản ứng rất gay gắt từ cộng đồng.

Tin mới lên