Công nghệ

Sếp Hello Măm: 'Công nghệ giúp doanh nghiệp nhỏ thành lớn'

(VNF) - Quyết định đầu tư của SSIAM vào Hello Măm có thể coi là một sự kiện đặc biệt về startup trong bối cảnh không khí khởi nghiệp đang được làm nóng trên nhiều diễn đàn.

Sếp Hello Măm: 'Công nghệ giúp doanh nghiệp nhỏ thành lớn'

Ông Dương Minh Việt, CEO của Hello Măm

Để bạn đọc rõ hơn về câu chuyện này, VietnamFinance xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện độc quyền với ông Dương Minh Việt, CEO của Hellomam.

- Vì sao các ông thành lập Hellomam? Ý tưởng ban đầu như thế nào?

Ông Dương Minh Việt: Hello Măm quan tâm đến áp lực mà người nội trợ đô thị đang phải đối mặt hàng ngày. Người nội trợ ở các đô thị Việt Nam phần lớn vẫn phải đi làm, gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong chăm sóc gia đình và giáo dục con cái. Trong khi đó họ vẫn phải lo lắng cho bữa ăn hàng ngày, đi chợ, vào bếp, lo nghĩ tối nay ăn gì, làm sao có bữa ăn ngon… Thực phẩm bẩn cũng là 1 trong những áp lực lớn của đời sống hiện đại.  

Hello Măm muốn giúp người phụ nữ trong gia đình được giải phóng bớt khỏi những áp lực thường ngày. Với một xã hội đang phát triển như Việt Nam, áp lực lên đời sống đô thị ngày càng nhiều, tôi tin rằng dịch vụ của Hello Măm sẽ có ích. 

- Vì sao SSI và Hello Măm chọn nhau? Cơ duyên nào để đến với nhau?

SSIAM chọn Hello Măm vì phù hợp với định hướng đầu tư vào nông nghiệp của Quỹ. Chúng ta đều biết SSI cũng là 1 cổ đông lớn của PAN, tập đoàn đầu tư nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI cũng chính là Chủ tịch PAN group.  Hello Măm là công ty có định hướng kiểm soát và phân phối thực phẩm từ nông trại tới tới bàn ăn , tới tận tay khách hàng, nền tảng vận hành dựa trên công nghệ. Điều này thuyết phục được SSI về khả năng mở rộng và kinh doanh hiệu quả trong tương lai.

Về phía Hello Măm, cùng thời điểm đó chúng tôi cũng có nhiều nhà đầu tư quan tâm và thậm chí đã có nhà đầu tư đưa ra đề nghị rất hấp dẫn trước khi SSI chính thức bước vào đàm phán.  Nhưng Hello Măm cũng biết rằng SSI là nhà đầu tư hoàn hảo bởi một số lý do.

Thứ nhất là SSI & PAN đã đầu tư vào một mạng lưới các công ty nông nghiệp lớn, công nghệ cao và cạnh tranh không chỉ trong nước mà ở cả thị trường thế giới. Có thể kể đến những tên tuổi lớn như: NSC và SSC (Công ty CP Giống cây trồng Trung ương) là công ty giống lớn nhất Việt Nam về cung cấp giống gạo, ngô, rau của quả và hoa với lợi nhuận hợp nhất năm 2015 đạt 60 triệu USD. Bên cạnh đó là PAN-SALADBOWL, liên doanh với các công ty Nhật Bản trồng rau và hoa chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; ABT - Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre, hiện đang xuất khẩu các sản phẩm cá, nghêu vào Mỹ, Nhật và EU; LAF – Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Long An với sản phẩm chủ lực là hạt điều, 95% doanh thu đến từ xuất khẩu sang các thị trường Úc, Mỹ, Hà Lan, Hongkong, Trung Quốc; Công ty cổ phần Bibica, một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về sản xuất bánh kẹo; Bio Spring, một công ty nghiên cứu và sản xuất thức ăn chăn nuôi ứng dụng công nghệ sinh học Probiotic…

Thứ hai là nhận đầu tư từ SSI, Hello Măm có cơ hội tiếp xúc và mở rộng mạng lưới đối tác với các công ty rất lớn trong ngành nông nghiệp Việt Nam, qua đó học hỏi công nghệ, quy trình, mở rộng chuỗi cung ứng, tăng cơ hội kinh doanh và các cơ hội phát triển khác, đó là điều tốt nhất cho các khách hàng của Hello Măm.  

Ngoài ra một công ty khởi nghiệp như Hello Măm cũng sẽ hưởng lợi rất nhiều từ các phương pháp và quy trình quản trị của những tập đoàn lớn và chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm như SSI và PAN.

- Quá trình tiếp xúc, đàm phán ra sao, hai bên gặp nhau ở điểm gì?

Đây là một câu chuyện khá thú vị. Một số cán bộ nhân viên của SSIAM (Công ty quản lý  Quỹ đầu tư SSI), trong đó có cả CEO, cũng chính là khách hàng của Hello Măm. Một ngày tôi nhận được email từ chị CEO Quỹ với nội dung rất ngắn gọn: "Hello Măm có cần đầu tư thêm để phát triển không?". Sau đó đội ngũ đầu tư chuyên nghiệp của SSIAM tới khảo sát Hello Măm, thăm trang trại và các nguồn cung ứng, trao đổi về tầm nhìn và kế hoạch kinh doanh trong 3 năm tới. Toàn bộ giao dịch chốt chỉ trong chưa đầy 1 tháng, đây có lẽ là một trong những "deal" đầu tư nhanh hiếm có tại Việt Nam từ trước đến nay.

Chúng tôi nhanh chóng tìm được điểm chung có lẽ vì Hello Măm có sự khác biệt đáng kể so với các start up khác.

Một là Hello Măm có kết quả kinh doanh thuyết phục, doanh thu liên tục tăng trưởng và đã gần tới điểm "break even". Đây là điểm khác biệt rất lớn so với nhiều start up khác mới chỉ ở giai đoạn có một ý tưởng sản phẩm hoặc đã ra sản phẩm nhưng hiệu quả kinh doanh chưa rõ rệt. Business tốt đã tạo ra tiền thực sẽ thuyết phục hơn nhiều một ý tưởng hay hoặc một sản phẩm tốt mà chưa làm ra tiền.

Hai là mô hình kinh doanh với triết lý kiểm soát thực phẩm một cách khép kín từ nông trai đến bàn ăn, phân phối tận nhà, về lý thuyết có tiềm năng scale lên nhiều lần. Việc này chúng tôi sẽ phải chứng minh bằng hiệu quả kinh doanh sau đầu tư. 

Ba là tư duy công nghệ. Công nghệ không có nghĩa là một cái web ấn tượng hay một app nhiều tính năng hay. Hello Măm quan tâm đến các công nghệ như: quản lý chuỗi cung ứng, quản lý quy trình vận hành, công nghệ bảo quản, truy xuất nguồn gốc, Business inteligent (BI), quản lý và chăm sóc khách hàng (CRM), công nghệ sinh học ứng dụng trong sản xuất và sau thu hoạch. Điều này tương đồng với triết lý SSI và PAN, nhiều công ty trong danh mục đầu tư của SSI và PAN là các công ty nghiên cứu phát triển sản phẩm từ công nghệ gốc và đã đạt quy mô thị trường rất lớn.

Một công ty có thể tồn tại được bằng sản phẩm và dịch vụ tốt, nhưng một công ty muốn trở nên "lớn" thì phải có năng lực công nghệ tương ứng. Chỉ có công nghệ mới giúp đột phá về năng suất lao động và đưa công ty từ bình thường thành lớn.  

- Quá trình định giá Hello Măm thế nào? Tại sao là 4 triệu USD. Khoản đầu tư thực sự của SSI là bao nhiêu và sẽ được sử dụng để phát triển công ty thế nào?

Tuy đây là venture capital (đầu tư mạo hiểm), nhưng việc định giá được xây dựng trên tăng trưởng thực tế của Hello Măm từ ngày bắt đầu kinh doanh (luôn từ 10%- 15%/ tháng). Hai bên cùng xây dựng một kế hoạch kinh doanh 3 năm, dựa trên tăng trưởng thực trong quá khứ của Hello Măm và giả định hiệu quả kinh doanh sau đầu tư trong năm tới. Là một công ty niêm yết, thông tin này sẽ có trong báo cáo tài chính hàng năm của SSI và bất kỳ ai cũng có thể tra cứu từ dữ liệu công khai của HOSE trong mùa công bố báo cáo cuối năm nay. 

- Xin hỏi ông ký tá rồi thì sẽ làm gì, mở rộng thế nào, vai trò của SSI, PAN, các công ty trong portfolio của họ với Hello Măm ra sao?

Hello Măm sẽ đầu tư vào công nghệ, sản phẩm, hệ thống vận hành và mở rộng tới thị trường Thành phố HCM. SSI và PAN sẽ giúp Hello Măm mở rộng mạng lưới cung ứng, sản phẩm, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm. Ngay sau buổi ký kết, lãnh đạo của ABT (Thuỷ sản Bến Tre – một công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật và Mỹ) đã có đề nghị Hello Măm cùng tham gia phát triển thị trường trong nước.

Hay công ty Bio Spring đang dẫn đầu trong nghiên cứu phát triển thức ăn chăn nuôi ứng dụng Probiotic cũng sẵn sàng tặng Hello Măm thức ăn chăn nuôi trong giai đoạn mở rộng trại lợn và gà hữu cơ. Hello Măm cũng có thể tiếp cận với các công nghệ và sản phẩm mới về giống cây trồng của Công ty Giống cây trồng Trung ương .v.v. Những lợi thế này chắc chắn sẽ giúp Hello Măm có những thay đổi về chất và chuyển hoá chúng thành giá trị cho khách hàng.   

- Xin một câu hỏi cá nhân: vì sao ông quyết định đi theo hướng này và các thành tựu trước đây trong lĩnh vực công nghệ đóng vai trò như thế nào đối với quyết định của ông?

Kinh nghiệm cũ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) giúp tôi và các cộng sự có được tư duy về công nghệ và hiểu sâu sắc vai trò công nghệ trong kinh doanh. Với Hello Măm, tuy trước đây chưa có đủ nguồn lực để đầu tư mạnh vào công nghệ, nhưng các nền tảng cho công nghệ như quy trình, tiêu chuẩn, KPI, dữ liệu sản xuất, kinh doanh, vận hành… đều được tổ chức bài bản. Việc kinh doanh các dịch vụ trên nền internet trước đây cũng giúp chúng tôi hiểu khá rõ nhu cầu và hành vi của khách hàng hiện đại - những người trưởng thành trong thời đại internet.

- Như ông thấy, không khí startup đang rất nóng trong thời gian gần đây. Vậy theo ông, điều gì là quan trọng cả về cơ chế chính sách lẫn thực tiễn để thúc đẩy startup tại Việt Nam?

Các công ty khởi nghiệp Việt Nam thiếu nhiều thứ, nhưng cơ bản nhất tôi cho là thị trường vốn quá nhỏ. Nếu ở Mỹ hay Singapore, startup có thể tiếp cận hàng trăm quỹ đầu tư, hàng nghìn nhà đầu tư cá nhân thì ở Việt Nam có lẽ chỉ có một vài quỹ như IDG, Cyber … với số vốn cũng không đủ lớn để thúc đẩy thị trường. Facebook, Amazon, Uber có thể chịu lỗ rất nhiều năm, hàng nghìn nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn cho các công ty có tiềm năng để họ xây dựng các nền tảng cạnh tranh, nền tảng công nghệ cho sự tăng trưởng tương lai.

Còn các startup Việt Nam hầu hết là phải tự xoay sở và chết ngay khi hết tiền. Còn cơ chế chính sách nào thu hút các nguồn vốn đến Việt Nam thì là trước tiên phải là vai trò của Nhà nước, đây là câu hỏi rất vĩ  mô và tôi không đủ khả năng trả lời. 

Mặt còn lại cũng phải thấy một thực tế là một lượng không nhỏ các startup Việt Nam là đi sao chép (clone) lại các sản phẩm nước ngoài mà cũng chỉ clone được vỏ bề ngoài của sản phẩm dịch vụ. Hàm lượng công nghệ trong các startup như vậy không cao. Trong khi các startup của thế giới họ giải quyết các vấn đề từ công nghệ gốc, thì khá nhiều startup Việt Nam chỉ dừng ở làm cái web hay app đẹp, mô phỏng máy móc các tính năng của sản phẩm gốc, không thực sự  nắm bắt được công nghệ hay thấu hiểu giá trị cốt lõi của sản phẩm dịch vụ. Điều này cũng khiến các công ty khởi  nghiệp Việt Nam kém hấp dẫn với các nguồn vốn từ nước ngoài. 

Các công ty khởi nghiệp VN thiếu nhiều thứ, nhưng cơ bản nhất tôi cho là thị trường vốn startup quá nhỏ. Tuy nhiên, tôi hy vọng mọi thứ sẽ tốt dần.

Tin mới lên