Nhân vật

Sếp HSBC nói gì về CPTPP?

(VNF) – Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, việc Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dường (CPTPP) được ký kết tại Chile đánh dấu thành quả của những nỗ lực vô cùng to lớn của 11 nước quanh vùng Thái Bình Dương.

Sếp HSBC nói gì về CPTPP?

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam.

Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dường (CPTPP) đã chính thức được ký kết tại Santiago (Chile) vào sáng 9/3 theo giờ Việt Nam. Đây là một trong những hiệp định thương mại quan trọng nhất nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

"Tôi thực sự đánh giá cao sự kiên định của các thành viên Hiệp định trong việc tiếp tục đối thoại để đạt được những thỏa thuận cần thiết tiến tới ký kết Hiệp định khi đối tác được coi là lớn nhất là Mỹ tuyên bố rút lui khỏi TPP vào tháng 1/2017", ông Phạm Hồng Hải nhận định.

Ông nhấn mạnh: "Về mặt nội dung, CPTPP không chỉ bao gồm thương mại mà còn đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác, do đó đây là hiệp định rất toàn diện đúng như tên gọi, do đó tiến bộ hơn những hiệp định trước đó. Đối với tôi, việc CPTPP được ký kết mang một ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có chiều hướng lan rộng".

Theo ông Hải, với việc Mỹ không có mặt trong CPTPP, lợi ích của Việt Nam có thể ít đi so với TPP trước đó, ví dụ GDP chỉ tăng thêm 1,32% thay vì 6,7%, xuất khẩu tăng thêm 4% thay vì 15%. Nhưng nhìn chung, các ngành như dệt may, da giày và sử dụng nhiều lao động của Việt Nam vẫn được lợi.

Hiệp định CPTPP đã chính thức được ký kết tại Santiago (Chile) vào sáng 9/3 theo giờ Việt Nam.

"Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế giao thương với các nước thành viên hiệp định, nhất là các thị trường như Canada hay Mexico và trong bối cảnh một số nước đang thể hiện mong muốn tham gia như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, và Philippines, dự kiến nâng lợi ích các bên tham gia lên 3 lần, tương đương 500 tỷ đô la Mỹ một năm", ông nói thêm.

Ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam cho biết: "CPTPP là một thỏa thuận lớn và tham vọng đối với Việt Nam. Nó có ý nghĩa to lớn đối với tăng trưởng, việc làm và các mức sống trong tương lai".

Theo ông, đây là thời điểm mà các doanh nghiệp và chính phủ cần tập trung vào việc thực hiện hiệp định này để có thể đạt được các lợi ích một cách toàn diện. Điều đáng khích lệ là rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kỳ vọng đạt được những lợi ích từ hiệp định.

CPTPP kỳ vọng có ảnh hưởng tích cực lên 63% doanh nghiệp tại Việt Nam

63% doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng CPTPP sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ, theo kết quả một khảo sát toàn diện về doanh nghiệp trên toàn cầu của HSBC.

Cuộc khảo sát được tiến hành khảo sát với 1.150 doanh nghiệp tại các quốc gia thành viên CPTPP; và hơn 6.000 doanh nghiệp trên toàn cầu.

Theo khảo sát này, các thành viên CPTPP cho rằng TPP/CPTPP phù hợp với 1/3 các quốc gia và thậm chí phù hợp hơn tại khu vực châu Á Thái Bình Dương (CATBD) và đối với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp quốc tế và trong khối phi dịch vụ, nơi mà số lượng lớn doanh nghiệp cho rằng tác động của hiệp định là tích cực.

TPP/CPTPP được kỳ vọng có ảnh hưởng tích cực lên hơn một nửa doanh nghiệp tại Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan và Singapore nhưng có tính trung lập đối với hơn một nửa doanh nghiệp tại tất cả các quốc gia khác.

63% doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng CPTPP sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh.

Trong khu vực CATBD, 46% số doanh nghiệp tin rằng Hiệp định này phù hợp với hoạt động kinh doanh của họ, và 48% doanh nghiệp kỳ vọng hưởng lợi từ Hiệp định.

Trong số 1.150 doanh nghiệp có trụ sở tại các nước thành viên CPTPP tham gia khảo sát, gần một nửa (46%) kỳ vọng những lợi ích tích cực từ hiệp định.

Những ước tính gần đây từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) chỉ ra rằng dòng chảy thương mại giữa 11 nền kinh tế tham gia vào hiệp định sẽ tăng 6% đến năm 2030, và các nước thành viên đạt tổng mức thu nhập thực tế 157 tỷ USD mỗi năm.

Sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nước còn lại đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của TPP là CPTPP. Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc với 8.000 trang và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ, nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.

11 thành viên tham gia ký kết Hiệp định CPTPP bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

CPTPP dự kiến sẽ được chính thức triển khai từ cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019. Các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ giúp định hình tương lai kinh doanh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều năm tới dù không có sự tham gia của Mỹ.

> Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết

Tin mới lên