Diễn đàn VNF

Sếp HSBC Việt Nam: 'Đừng vì tiếc nuối TPP mà quên những FTA khác'

(VNF) - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nói dường như Việt Nam đang dồn quá nhiều tập trung vào việc TPP không được thông qua mà quên rằng việc đàm phán các hiệp định tự do thương mại khác vẫn đang tiếp diễn.

Sếp HSBC Việt Nam: 'Đừng vì tiếc nuối TPP mà quên những FTA khác'

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam

Khối Nghiên cứu Kinh tế của ngân hàng HSBC vừa công bố Báo cáo đánh giá kinh tế châu Á với tên gọi "Liệu có buồn về TTP? Hướng tới Hiệp định RCEP...". 

Bản báo cáo này đánh giá tình hiện hiện tại của Hiệp định TPP và đưa ra những triển vọng của Hiệp định RCEP và sức ảnh hưởng của Hiệp định này đối với các nền kinh tế châu Á nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Theo báo cáo này, không còn gì để bàn về việc thực hiện hiệp định TPP trong thời điểm hiện tại, nhưng các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vẫn đang được tiếp tục...

Hiệp định RCEP sẽ kết nối ba thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN trong một thỏa thuận liên quan đến hàng hoá, dịch vụ và đầu tư, nhưng phạm vi của hiệp định này hạn chế hơn nhiều so với Hiệp định TPP

Tuy nhiên, vẫn theo HSBC, Hiệp định RCEP sẽ đem lại những động lực khuyến khích đầu tư cho chuỗi cung ứng toàn châu Á, đặc biệt đối với các nước ASEAN, và thúc đẩy các mối quan hệ thương mại mới...

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam đã đưa ra một số nhận định về tình hình hiện tại như sau:

"Chúng ta hiện nay có thể đang dồn quá nhiều tập trung vào khả năng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP không được thông qua mà quên rằng đàm phán của các hiệp định tự do thương mại khác vẫn đang tiếp diễn. 

Một trong những đàm phán quan trọng có thể kể đến là FTAAP - Khu vực tự do Thương mại châu Á Thái Bình Dương, một sáng kiến do APEC khởi xướng cách đây 20 năm, kết nối 21 nền kinh tế trên thế giới bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc. 

FTAAP bao phủ 60% GDP toàn thế giới và 50% giá trị thương mại toàn cầu. Văn kiện thống nhất của FTAAP đã được hoàn tất và chương cuối của FTAAP đang được gấp rút thực hiện.

Một hiệp định thương mại khác với quy mô nhỏ hơn tập trung vào châu Á có thể kể đến Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). 

Hiệp định này kết nối ba nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á), tạo ra khu vực tự do thương mại giữa 16 nền kinh tế châu Á và đóng góp khoảng 22.400 tỷ USD GDP và 10.000 tỷ USD giá trị thương mại thế giới. 

Hiệp định này đặc biệt sẽ có lợi cho khối các nước Đông Nam Á do nó sẽ giảm thiểu những bất cập giữa các hiệp định tự do thương mại trước đó, từ đó đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh của khu vực này.

Tôi tin rằng Tổng thống mới của nước Mỹ có trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng như việc làm cho người dân, và chúng tôi tại HSBC tin rằng tự do thương mại được đặt trên nền móng các nguyên tắc vững chắc sẽ mang đến sự thịnh vượng. 

Cho dù có hay không có TPP, nước Mỹ vẫn là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát sao những động thái tiếp theo, đồng thời cần giữ vững tinh thần tiến lên phía trước để tận dụng mọi lợi thế có được từ các hiệp định thương mại đang trong vòng đàm phán. 

Mặt khác, việc chúng ta cần làm song song là xây dựng một thị trường nội địa vững mạnh. Trong hơn 150 năm qua, HSBC đã góp sức hỗ trợ hoạt động giao thương và nhu cầu tài trợ thương mại của các doanh nghiệp, và chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua những thay đổi và tìm kiếm cơ hội phát triển".

Tin mới lên